Ngày Xuân nói chuyện ẩm thực (P.2): Cần thúc đẩy quảng bá văn hóa ẩm thực Việt

(VOH) - Ẩm thực Việt Nam đã đi vào ca dao tục ngữ để phản chiếu cách ăn uống gần gũi, tinh tế, lối sống giản dị và dung hòa của người Việt Nam.

Con gà cục tác lá chanh

Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi

Con chó khóc đứng khóc ngồi

Mẹ ơi đi chợ mua tôi đồng riềng

Con trâu nằm ngửa nằm nghiêng

Xin chớ mua riềng, mua tỏi cho tôi

Cần thúc đẩy quảng bá Di sản Văn hóa Ẩm thực Việt (Bài 2) 1
Biểu diễn ẩm thực cho du khách thưởng thức tại khách sạn  cũng là một trong cách quảng bá ẩm thực Việt Nam.

Sự phong phú và đa dạng ẩm thực của nước ta trải dài theo chiều dài từ Bắc vô Nam. Mỗi vùng miền lại có những đặc sản riêng và mỗi nơi ta đi qua lại sản sinh ra những câu ca dao, tục ngữ nói lên phong cách ẩm thực bản địa.

Như câu ca dao về ẩm thực ở vùng đất phương Nam:

Bậu ra bậu lấy ông câu.

Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu.

Kho tiêu, kho ớt, kho hành.

Kho ba lượng thịt để dành mà ăn. . .

Ra tới miền Trung ta lại nghe lời rao:

Cô kia bới tóc cánh tiên

Ghe bầu đi cưới một thiên cá mòi

Chẳng tin giở thử ra coi

Rau răm ở dưới cá mòi ở trên…

Nói tới ẩm thực Việt Nam ta như bước vào một kho tàng đồ sộ ca dao tục ngữ ông cha để lại. Mở cửa bước vào ta gặp  hàng  ngàn cánh cửa, mỗi cánh cửa mở ra một hương vị, một công thức mới.

Sức hấp dẫn của nền ẩm thực Việt Nam toát ra từ sự mộc mạc, dung dị mà đậm đà. Cộng hưởng cùng sự tận tâm  của các đầu bếp khi chế biến, giới thiệu các món ăn đã khiến không ít tâm hồn lay động.

Món ăn Việt không chỉ có sự cân bằng về các mùi vị như chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát, mà còn là sự cân bằng hoàn hảo về dinh dưỡng. Những món ăn đó xứng đáng trở thành Di sản Văn hóa Ẩm thực, được mọi người gìn giữ, phát huy và quảng bá.

Ông Lê Trần Trường An - Tổng giám đốc tổ chức Kỷ lục Việt Nam VietKings cho rằng,  05 Kỷ lục Thế giới đầu tiên trong lĩnh vực ẩm thực của Việt Nam được Worldkings công nhận năm 2020 cần được tiếp tục phát huy.  Vì đây là những giá trị tinh hoa của nền ẩm thực Việt Nam do cha ông để lại mà không quốc gia nào trên thế giới có được.

“Tổ chức Kỷ lục Viêt Nam mong muốn kết hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam nhằm đưa những thông tin này đến tất cả Đại sứ quán Việt Nam trên thế giới để quảng bá rộng rãi hơn các giá trị đặc sản, ẩm thực Việt Nam”, ông An nói. 

Blogger ẩm thực Trần Lâm Ngọc Chánh cho biết, muốn phát huy ẩm thực Việt Nam ra thế giới thì các đầu bếp cần biết linh hoạt trong chế biến món ăn Việt Nam. Anh đã từng dạy phu nhân các Tổng lãnh sự quán ở TPHCM món gỏi cuốn Việt Nam có thể thay thế phần nhân bên trong, phần nước chấm tùy vào nguồn nguyên liệu và sở thích ăn uống của mỗi người.

Theo anh, ngoài phở, bánh mì và bún chả thì gỏi cuốn Việt Nam có thể trở thành một món ăn phổ biến trên thế giới. Vì tuy chỉ là gỏi cuốn nhưng đầy đủ dinh dưỡng, trong đó vừa có ít tinh bột (bánh tráng), vừa có chất xơ (rau) lại vừa có chất đạm (thịt, tôm).

Trong cuốn gỏi có chứa tinh hoa của trời đất. Khi cuốn bánh tráng, người Việt thể hiện sự khéo léo của đôi tay và khi thưởng thức nó giống như trời đất nằm trong cuốn gỏi. Mỗi vùng, miền thì lại có các phần nhân và nước chấm khác nhau.

Trong một gia đình 05 người, có thể cuốn 05 loại gỏi cuốn và 05 loại nước chấm. Còn hành động cùng nhau chỉ cách cuốn, chia sẻ cảm nhận khi ăn mỗi loại cuốn tạo nên không khí thân thương” - anh Ngọc Chánh phân tích.

Yêu thương ẩm thực và nhiệt huyết muốn lan tỏa ẩm thực Việt Nam ra thế giới song anh Chánh cũng như bao đầu bếp khác gặp khó khăn khi không có những kênh ẩm thực chính thống để hợp tác.

Hiện nay có một số blogger ẩm thực tự tạo kênh nấu ăn riêng thông qua mạng xã hội nhưng việc phát triển tự phát như vậy không thể nào tạo thành một chuỗi quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới một cách bài bản, chính danh. Muốn quảng bá tốt ẩm thực Việt Nam thì nên gắn với du lịch. Đó là con đường đưa ẩm thực Việt Nam ra quốc tế” – anh Chánh đề xuất.

Theo nhà giáo ưu tú - chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi, một yếu tố nữa muốn quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới thì người đầu bếp cần biết đưa tính đương đại vào trong chế biến. Bà nêu ví dụ khi nói về phở thì hầu hết đều nghĩ phở phải nấu có nước súp nhưng nấu phở như vậy rất công phu, không phải ai cũng có thời gian và đủ đầy nguyên liệu để nấu.

Tuy nhiên, với phở cuốn thì không cần phải kỳ công và có thể làm bánh phở với nhiều màu sắc tự nhiên đẹp mắt. Đầu bếp chỉ cần hướng dẫn cách làm phở cuốn cho người nước ngoài chế biến theo.

“Trong việc làm mình phải có sáng tạo để phù hợp với người ta. Bản sắc là phải giữ nhưng cái gì tốt đẹp hơn thì mình sử dụng vào”, nhà giáo ưu tú - chuyên gia ẩm thực Triệu Thị Chơi nhận định.

Hiện nay, nước ta có hai liên hoan ẩm thực mang tầm quốc gia: Liên hoan Ẩm thực Quốc tế (Hà Nội) và Liên hoan ẩm thực món ngon các nước (TPHCM). Bên cạnh đó, tại TPHCM, các đơn vị như Công viên Văn hoá Đầm Sen có Liên hoa ẩm thực đất phương Nam; Làng du lịch Bình Quới có sự kiện Liên hoan ẩm thực khẩn hoang Nam Bộ.

Những liên hoan ẩm thực này là cơ hội để quảng bá món ăn Việt Nam, món ăn các vùng, miền đến du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc quảng bá này chỉ mới ghi nhận ở số lượng khách tới ăn.

Hầu như, các liên hoan vẫn chỉ dừng ở mức giới thiệu món ngon, mà chưa có chiến lược marketing bài bản cho ẩm thực. Thực hiện điều đó cần chi nhiều kinh phí quảng bá, để làm sao du khách tới Việt Nam phải khát khao tìm kiếm ngay món đó thưởng thức.

Cần thúc đẩy quảng bá Di sản Văn hóa Ẩm thực Việt (Bài 2) 2
Quảng bá ẩm thực Việt Nam tại khách sạn.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, một nguyên nhân khiến ẩm thực Việt Nam tuy ngon mà chưa phổ biến ra thế giới xuất phát từ tư duy: chỉ cần biết buôn bán kiếm lời nhỏ lẻ mà không nghĩ đến việc tạo một chuỗi thương hiệu ẩm thực toàn cầu: “Chúng ta cũng đã có vài chuỗi thương hiệu nổi tiếng như phở, bánh mì, song vẫn còn ít ỏi lắm. Nhiều người còn có tư tưởng coi thường nghề làm bếp, trong khi nước ngoài nhiều tỷ phú đi lên từ món ăn đường phố như tỷ phủ món gà KFC, tỷ phú Mc Donald”.

Ông Thọ cho biết thêm, mục tiêu của Hiệp hội du lịch Việt Nam là đưa món ăn địa phương, món ăn đường phố vào khách sạn 5 sao để giới thiệu rộng rãi cho du khách trong và ngoài nước. Qua đó, khuyến khích người trẻ ý thức khởi nghiệp trong ngành ẩm thực Việt Nam, đưa ẩm thực Việt Nam ra thế giới. Đó cũng là ước mong của người làm du lịch, làm sao để Việt Nam trở thành ngôi nhà chung ẩm thực của thế giới. 

Ngày Xuân nói chuyện ẩm thực (P.1) : Đưa tinh hoa ẩm thực - đặc sản Việt Nam ra thế giới