Cần hay không chứng nhận và công bố hợp quy đối với hàng hóa sản xuất, sau đó xuất khẩu ngước ngoài?

VOH - Đây là nội dung tại Hội nghị Đối thoại giữa Doanh nghiệp và Chính quyền Thành phố, do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Cục Hải quan Thành phố.

Liên quan đến nội dung hàng sản xuất trong nước sau đó xuất khẩu có cần chứng nhận và công bố hợp quy không, đại diện lãnh đạo Cục Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh đã có ý kiến hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện theo các quy định cụ thể:

quang-canh-buoi-doi-thoai_20240503160608jpg_voh
Quang cảnh buổi đối thoại

- Điều 14 Luật quản lý chất lượng ngày 21 tháng 11 năm 2007 quy định về Nghĩa vụ của người xuất khẩu, như sau:

“1. Tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định tại Điều 32 của Luật này và chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa”.

- Điều 32 Luật quản lý chất lượng ngày 21 tháng 11 năm 2007 quy định điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu, như sau:

“1. Người xuất khẩu hàng hóa phải bảo đảm hàng hóa xuất khẩu phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, hợp đồng hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với nước, vùng lãnh thổ có liên quan.

2. Áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong quá trình sản xuất hoặc tự xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm do mình sản xuất”.

doanh-nghiep-tham-gia-doi-thoai_20240503160548jpg_voh
Doanh nghiệp tham gia đối thoại

Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa 
quy định:

Điều 9. Điều kiện bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất khẩu trước khi xuất khẩu

Người xuất khẩu có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quản lý quy định tại Điều 32 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi xuất khẩu hàng hóa.

Điều 10. Kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa xuất khẩu và xử lý vi phạm

1. Hàng hóa đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 32 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được phép xuất khẩu mà không bị kiểm tra của cơ quan kiểm tra.

2. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu không bảo đảm chất lượng gây ảnh hưởng đến lợi ích và uy tín quốc gia thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất theo quy định tại Điều 5 và xử lý theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

3. Hàng hóa xuất khẩu khi đưa vào lưu thông trong nước, phải tuân thủ các yêu cầu quản lý quy định tại Mục 1 Chương II Nghị định này.

Nghị định 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Điều 23. Thông quan hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành

1. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan, cơ quan hải quan quyết định thông quan sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Có thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành, trừ trường hợp hàng hóa được miễn kiểm tra theo quy định tại Điều 22 Nghị định này;

b) Có thông báo kết quả kiểm tra đạt yêu cầu của cơ quan kiểm tra chuyên ngành;

c) Có thông báo kết quả phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định và được pháp luật chuyên ngành quy định là cơ sở để thông quan hàng hóa.

2. Trường hợp hàng hóa không thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan nhưng thực hiện kiểm tra chuyên ngành theo yêu cầu của người khai hải quan hoặc của nước nhập khẩu thì người khai hải quan không phải nộp kết quả kiểm tra cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục hải quan.