Tin nóng chiều 17/5 - Cảnh báo: ‘tín dụng đen’ xâm nhập điện thoại người vay qua app

Nhiều trường hợp còn bị các đối tượng cho vay nợ sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm… để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín...

TIN TRONG NƯỚC

Cảnh báo: ‘tín dụng đen’ xâm nhập điện thoại người vay qua app

Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM vừa cho hay, thời gian qua trên địa bàn TP xảy ra nhiều trường hợp dù không vay nợ cũng không bảo lãnh cho người khác vay nợ, nhưng lại liên tục bị nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ, đe dọa, gây áp lực để trả khoản nợ vay của người khác.

Khi vay tiền bằng hình thức tín chấp, người vay phải cho phép bên cho vay được truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội thông qua ứng dụng vay (app vay).

Khi người vay không trả tiền đúng hạn hoặc mất liên lạc, bên cho vay sẽ xâm nhập, sử dụng dữ liệu danh bạ của người vay để nhắn tin, gọi điện thoại để đòi nợ một người bất kỳ dù không liên quan đến các khoản vay. Nhiều trường hợp còn bị các đối tượng cho vay nợ sử dụng công nghệ, cắt ghép hình ảnh với những nội dung thô tục, nhạy cảm… để đăng lên các trang mạng xã hội, làm ảnh hưởng danh dự, uy tín của người bị đòi nợ.

Sở Thông tin và truyền thông khuyến cáo các cá nhân rơi vào trường hợp trên nên lưu lại số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn và gửi kèm theo văn bản đến tổ chức, cá nhân cho vay nợ để khiếu nại. Đồng thời, người bị quấy rối có thể gửi đơn kèm chứng cứ tới chi nhánh Ngân hàng Nhà nước để kiến nghị giải quyết hành vi vi phạm về lĩnh vực ngân hàng, hoặc gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, Sở Thông tin và truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông để đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Tin nóng chiều 17/5: Cảnh báo: ‘tín dụng đen’ xâm nhập điện thoại người vay qua app 1

Quảng cáo cho vay tiền xuất hiện ở nhiều nơi trên địa bàn TP 

Vietnam Airlines đối diện nguy cơ bị hủy niêm yết?

Ủy ban Chứng khoán đã bác đề nghị lùi thời điểm công bố báo cáo tài chính của Vietnam Airlines (VNA). Nếu báo cáo, VNA khó tránh được kết quả kinh doanh lỗ. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp bị hủy niêm yết khi kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ.

Trong báo cáo tài chính hợp nhất quý 4-2021, VNA cho hay lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31-12-2021 là âm 21.978 tỉ đồng, gần bằng số vốn điều lệ. Nhưng nếu tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt vốn điều lệ.

Theo quy định của Bộ Tài chính, nếu tổ chức niêm yết cổ phiếu quy mô lớn là công ty mẹ của tổ chức khác như với trường hợp VNA thì phải công bố báo cáo tài chính quý trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, tức là phải công bố báo cáo quý 1 chậm nhất vào ngày 30-4.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc cổ phiếu VNA bị hủy niêm yết hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng cần phải đợi hết năm 2022. Tính lũy kế cả năm 2020 thì khoản lỗ đã vượt điều lệ nhưng theo quy định, số lỗ này phải được tính trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. 

Năm ngoái, VNA cũng đã được "cứu" sau khi phát hành thành công thêm gần 800 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, hoàn tất việc tăng vốn điều lệ với quy mô gần 8.000 tỉ đồng.

Tin nóng chiều 17/5: Cảnh báo: ‘tín dụng đen’ xâm nhập điện thoại người vay qua app 2

Vietnam Airlines đang đứng trước nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19

Nữ vận động viên Việt Nam đầu tiên chinh phục Everest

Đoàn leo núi của Nguyễn Thị Thanh Nhã - một luật sư thuộc thế hệ 8X sống tại TP.HCM, là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest - đang trên đường xuống núi.

Dự kiến cô sẽ cùng các bạn đồng hành về đến Base Camp - trạm nghỉ đầu tiên ở độ cao khoảng 5.000m trong hành trình chinh phục Everest - trong ngày 17-5.

Trước đó, công ty chuyên tổ chức leo núi Seven Summit Treks ở Nepal xác nhận Nguyễn Thị Thanh Nhã đã leo lên đến "nóc nhà thế giới" sáng 16-5, trở thành nữ vận động viên leo núi đầu tiên của Việt Nam đạt thành tích này. Trong quá trình chinh phục đỉnh cao, cô đã trải qua những ngày thời tiết khắc nghiệt.

Theo danh sách cập nhật của The Himalayan Database đến tháng 12-2021, Việt Nam mới có 3 người chinh phục thành công đỉnh Everest và đều là nam giới.

Tin nóng chiều 17/5: Cảnh báo: ‘tín dụng đen’ xâm nhập điện thoại người vay qua app 3

Thanh Nhã trên Vinson Mansif - đỉnh cao nhất châu Nam Cực đầu năm 2022 - Ảnh: Facebook nhân vật

Đắk Nông: trồng 1 triệu cây thông dọc quốc lộ 14, 28

Thông tin về việc sẽ trồng 1 triệu cây thông trên những khu vực rừng bị lấn chiếm dọc quốc lộ 14, 28, sáng 17-5, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết sẽ triển khai thận trọng để chương trình Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm nay thật ý nghĩa.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trước lễ phát động, các địa phương đăng ký trồng gần 3 triệu cây xanh tập trung và phân tán trong năm 2022. Trong đó, các địa phương dọc quốc lộ 14, 28 (các huyện Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức, Đắk R’Lấp, TP Gia Nghĩa) lên kế hoạch trồng 1 triệu cây thông ba lá dọc 2 quốc lộ này để làm rừng phòng hộ, tạo cảnh quan.

Cùng với việc chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm hành vi phá rừng, lấn chiếm đất phải tiếp tục trồng rừng vào những vị trí trống để tạo nên nét đẹp của rừng phòng hộ, tạo cảnh quan dọc hai quốc lộ này.

Vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới 18,13 triệu đồng/lượng

Giá vàng miếng SJC bán ra sáng nay (17-5) xoay quanh ngưỡng 69,2 triệu đồng/lượng, dù giá vàng thế giới đã hồi phục nhẹ về 1.822,8 USD/ounce.

Tại Công ty PNJ, giá bán vàng miếng SJC ở mức 69,25 triệu đồng/lượng, mua vào 68,3 triệu đồng/lượng. Công ty DOJI niêm yết giá bán là 69,1 triệu đồng/lượng, mua vào 68,25 triệu đồng/lượng. Ở một số tiệm vàng lớn tại TP.HCM, giá bán vàng miếng SJC ở mức 69,25 triệu đồng/lượng, mua vào 68,75 triệu đồng/lượng.

Như vậy có thể thấy sau phiên "loạn" giá hôm qua, hôm nay giá vàng miếng khá ổn định, quanh mốc 69 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên chênh lệch giá mua - bán vàng miếng khá xa, có nơi lên đến gần 1 triệu đồng/lượng, do các tiệm vàng phòng thủ trong trường hợp biến động giá.

Đây cũng chính là rủi ro cho người mua khi phải chịu cùng lúc chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới và chênh lệch giữa giá mua - bán. 

Tin nóng chiều 17/5: Cảnh báo: ‘tín dụng đen’ xâm nhập điện thoại người vay qua app 4

Vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 18,13 triệu đồng/lượng 

Hỗn chiến trong đêm, nhiều người bị thương nặng tại TP.Thủ Đức

Sáng 17.5, Công an P.Long Thạnh Mỹ đang phối hợp với Công an TP.Thủ Đức (TP.HCM) điều tra, truy xét vụ hỗn chiến kinh hoàng xảy ra trong đêm 16.5 trên địa bàn P.Long Thạnh Mỹ (TP.Thủ Đức). Vụ hỗn chiến làm nhiều người bị thương nặng, nhiều tài sản hư hại.

Theo thông tin ban đầu, hơn 20 giờ ngày 16.5, một nhóm thanh, thiếu niên chừng 30 người cầm gậy sắt, mã tấu, đi trên nhiều xe máy rảo quanh đường Phước Thiện (P.Long Thạnh Mỹ). Khi phát hiện 2 nam thanh niên đi trên xe máy ngang qua, nhóm 30 người này lập tức đuổi theo. Chạy một đoạn, 2 người bị truy đuổi va chạm với 1 xe máy khác, ngã xuống đường.

Lúc này, nhóm 30 thanh thiếu niên đuổi tới, xông đến đánh đập, chém tới tấp rồi ném bom xăng, lên xe tháo chạy. Vụ việc làm 3 người bị thương nặng, được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Hai chiếc xe máy bị đập bể nát.

Nhận tin báo, lực lượng chức năng Công an P.Long Thạnh Mỹ phối hợp với Công an TP.Thủ Đức có mặt tại hiện trường, lấy lời khai, trích xuất camera khu vực để làm rõ nguyên nhân vụ hỗn chiến.

Bình Định: phá đường dây làm sổ đỏ giả để khiếu nại quyết định cưỡng chế của chính quyền

Biết người dân cần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) để được nhận tiền đền bù, một phụ nữ làm nghề bói toán ở Bình Định đã dựng lên màn kịch “chạy sổ đỏ” nhằm mục đích lừa đảo.

Ngày 17-5, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Bình Định cho biết vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra đường dây làm giả sổ đỏ ở địa phương nhằm mục đích lừa đảo. Vụ án hy hữu này được làm rõ sau khi nhiều người dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định mang sổ đỏ… giả đi khiếu nại quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương.

Cơ quan Công an vào cuộc xác minh thì xác định các sổ đỏ nói trên được làm giả bởi đường dây do người phụ nữ hành nghề bói toán tên Trần Thị Kim Hoa (48 tuổi; ngụ xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) cầm đầu, nhằm mục đích lừa đảo. Hoa yêu cầu người dân nộp CMND, sổ hộ khẩu và chi mỗi người từ 20 - 40 triệu đồng để làm sổ.

Với chiêu thức lừa tinh vi như trên, nhiều người dân ở 2 xã Mỹ Đức và Mỹ Thắng đã dính bẫy. Do vậy, khi chính quyền địa phương cưỡng chế, nhiều người tưởng rằng sổ đỏ giả của mình là thật nên mang đi khiếu nại.

TIN THẾ GIỚI

Campuchia vẫn yêu cầu khách du lịch chưa tiêm phòng COVID-19 phải cách ly 7 ngày

Ngày 17/5 dẫn lời Thủ tướng Campuchia  khẳng định khách du lịch chưa tiêm phòng COVID-19 sẽ không được miễn cách ly khi nhập cảnh Campuchia.

Thủ tướng Campuchia nhấn mạnh rằng Campuchia có thể chiến thắng các biến thể của virus SARS-CoV-2 như Alpha, Delta và Omicron, nhưng hiện vẫn chưa chiến thắng COVID-19. Campuchia đang dốc toàn lực và thúc đẩy chiến dịch tiêm phòng chống COVID-19, vì vậy chưa thể cho phép khách chưa tiêm phòng nhập cảnh mà không cách ly. Hiện tại, du khách đã tiêm phòng COVID-19 không cần cách ly, không cần xét nghiệm nhanh hay PCR khi nhập cảnh Campuchia.

Mỹ: Có thể giảm được hơn 300.000 ca tử vong do COVID-19 nếu người dân tiêm phòng

Một phân tích vừa được công bố cho thấy nước Mỹ lẽ ra đã có thể ngăn ngừa 300.000 ca tử vong nếu người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện số ca tử vong vì COVID-19 tại Mỹ đã vượt 1 triệu ca.

Cho đến nay, hơn 220 triệu người dân nước này đã được tiêm đủ liều vaccine cơ bản ngừa COVID-19, 100 triệu người trong số đó đã được tiêm mũi tăng cường đầu tiên. Tuy nhiên, khoảng 92 triệu người Mỹ đủ điều kiện tiêm - chiếm khoảng 50% số người hiện đủ điều kiện - vẫn chưa được tiêm mũi  tăng cường.

Phái đoàn cấp cao Mỹ đến UAE tìm cách hàn gắn quan hệ

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và UAE căng thẳng trong nhiều tháng qua.

Giới phân tích nhận định chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Mỹ đến UAE dường như nhằm hàn gắn quan hệ song phương xấu đi kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Hồi tháng 1 vừa qua, UAE đã tỏ thái độ thất vọng cho rằng Mỹ không phản ứng đủ mạnh sau khi lực lượng Houthi ở Yemen tấn công tên lửa vào thủ đô của UAE. Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine khiến thị trường năng lượng thế giới bị ảnh hưởng, UAE đã từ chối lời kêu gọi của Mỹ về việc tăng sản lượng xuất khẩu dầu mỏ để kiểm soát giá dầu tăng vọt.

Giá dầu có thể lao dốc xuống 65 USD/thùng nếu EU không thể cấm dầu Nga

Trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, châu Âu đã nhập khẩu khoảng 2,7 triệu thùng dầu thô Nga/ngày và 1,5 triệu thùng sản phẩm dầu khác/ngày, chủ yếu là dầu diesel. Tuy nhiên, lo ngại nói trên bị thổi phồng quá mức vì một số lý do. Loại bỏ yếu tố gây sợ hãi đặc biệt này trong giá dầu sẽ cho phép giá dầu trong năm nay quay trở lại mức như hồi tháng 9/2021, tức là khoảng 65 USD/thùng dầu Brent.

Lý do chính khiến EU sẽ không thể cấm dầu Nga một cách hiệu quả vì lệnh cấm này đòi hỏi sự ủng hộ nhất trí của tất cả 27 nước thành viên. Ngay cả trước khi 27 quốc gia thành viên EU nhóm họp vào ngày 8/5 để thảo luận về việc thúc đẩy lệnh cấm dầu Nga, Hungary và Slovakia đã nói rõ rằng họ sẽ không bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm.

Châu Á gặp khó khăn về nguồn cung lúa mì

Các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á đang nỗ lực tìm nguồn cung mới, sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu mặt hàng này vào cuối tuần qua nhằm hạn chế giá trong nước tăng cao do một đợt nắng nóng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sản lượng.

Theo các chuyên gia, các nhà nhập khẩu lúa mì, đặc biệt là ở châu Á, đã phải dựa vào nguồn cung từ Ấn Độ - nhà sản xuất lúa mì lớn thứ hai thế giới - trong bối cảnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này từ khu vực Biển Đen sụt giảm sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên toàn cầu. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng, ảnh hưởng đến xuất khẩu lúa mì của nước này, trong khi xuất khẩu của Nga bị ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của phương Tây.