Tin tổng hợp COVID-19 12/12: TPHCM đề xuất thí điểm đón khách quốc tế, sử dụng hộ chiếu vaccine

(VOH) - Báo chí thời gian qua phản ánh về việc một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus, thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan và dễ dàng mua mà không cần có đơn của bác sĩ.

Thuốc điều trị COVID-19 rao bán tràn lan

Bộ Y tế cần đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn về các loại thuốc, biện pháp để người dân có thể mua, sử dụng theo đúng quy định và an toàn các loại thuốc không kê đơn có tác dụng điều trị tại nhà các triệu chứng thông thường, nhẹ do nhiễm SARS-CoV-2. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Trước đó, báo chí thời gian qua phản ánh về việc một số loại thuốc kháng viêm, chống đông, thuốc kháng virus, thuốc điều trị COVID-19 được rao bán tràn lan và dễ dàng mua được mà không cần có đơn của bác sỹ.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, đang có thông tin cho rằng nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 không tiếp cận được với thuốc kháng virus Molnupiravir. Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản hỏa tốc gửi Sở Y tế TP Hồ Chí Minh yêu cầu khẩn trương rà soát, kiểm tra thông tin này.

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI TPHCM:

TPHCM: Đã có 4.226 người tiêm mũi 3 vaccine COVID-19

Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, tính đến 7 giờ 30 ngày 12/12, toàn TPHCM đã tiêm vaccine COVID-19 được 500 liều mũi bổ sung và 3.726 liều mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.

Như vậy, tính đến nay, TPHCM đã tiêm hơn 14,8 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, mũi 1 là hơn 7,9 triệu liều và mũi 2 là gần 6,9 triệu liều. Dân số từ 18 tuổi trở lên theo thống kê của Chi Cục dân số Kế hoạch hóa gia đình TPHCM là hơn 7,2 triệu người.

Trong đó, đối với người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 7,2 triệu liều, đạt hơn 100%; mũi 2 là 6,2 triệu liều, đạt 86%. Đối với người từ 50 tuổi trở lên, mũi 1 tiêm 1,7 triệu liều, đạt 90%; mũi 2 tiêm hơn 1,7 triệu liều, đạt 86%.

Tin tổng hợp COVID-19 12/12: TPHCM đề xuất thí điểm đón khách quốc tế, sử dụng hộ chiếu vaccine 1
Ảnh minh họa. Nguồn: TTO

TPHCM :Tiếp tục duy trì ở cấp độ 2, quận 1 tăng cấp độ dịch

Sở Y tế cho biết, do diễn biến dịch có chiều hướng phức tạp hơn so với tuần trước, TPHCM quyết định tăng cấp độ dịch ở quận 1 từ cấp 1 lên cấp 2. TPHCM vẫn ở cấp độ 2, quận 4 vẫn là địa phương duy nhất ở cấp độ 3.

Như vậy so với tuần trước, quận 1 đã tăng từ cấp độ 1 lên cấp 2 và huyện Hóc Môn giảm từ cấp 2 xuống cấp 1.

Tại buổi họp báo về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP vừa qua, UBND quận 4 cho biết, do địa phương tăng cấp độ dịch từ cấp 2 lên cấp 3 nên UBND quận đã cấm các dịch vụ ăn uống bán rượu, bia cho đến khi có thông báo mới.

TPHCM đề xuất thí điểm đón khách quốc tế, sử dụng hộ chiếu vaccine

Trong bối cảnh đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, có đủ các điều kiện khách quan để khai thác du lịch, TP Hồ Chí Minh vừa có công văn trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thí điểm đón khách du lịch quốc tế, sử dụng hộ chiếu vaccine. Đây được cho là yếu tố quan trọng giúp ngành du lịch Thành phố khôi phục và không bị "chậm chân" so với các điểm đến khác trong khu vực.

Tuyến du lịch Citi Tour bằng xe bus 2 tầng đã chạy trở lại nhưng do chưa có khách quốc tế, các chuyến xe này chỉ còn chạy buổi tối thay vì cả ngày như trước đây.

Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã chuẩn bị sẵn các sản phẩm du lịch mới như tuyến bus đường sông vừa thử nghiệm một tuyến du lịch mới vào buổi tối.

Ngồi trên sông Sài Gòn, ngắm khu trung tâm TP lung linh về đêm là một trải nghiệm thú vị. Ngay cả người dân thành phố cũng đã lâu không cảm nhận được điều đó kể từ khi phà Thủ Thiêm ngừng hoạt động cách đây 10 năm.

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TẠI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH KHÁC

Hà Nội: quận Đống Đa 'đổi màu' từ vàng sang cam

Với số ca COVID-19 tăng nóng thời gian gần đây, quận Đống Đa (Hà Nội) đã chuyển từ cấp độ dịch 2 sang cấp độ dịch 3 (vùng cam). Ngoài ra, có 12 xã, phường khác cũng nằm trong vùng cam.

TP Hà Nội đang ở cấp độ dịch thứ 2 (vùng vàng), ngoài ra hiện nay có 21 quận, huyện, thị xã và 127 phường ở cấp độ dịch này.

Có 9 quận, huyện, thị xã và 439 phường, xã đang nằm trong cấp độ dịch 1 (vùng xanh).

Chưa có đơn vị hành chính nào trên địa bàn TP Hà Nội nằm trong cấp độ dịch 4 (vùng đỏ)

Theo báo cáo nhanh của Sở Y tế TP đến 18h ngày 10/12, trong đợt dịch thứ 4, Hà Nội ghi nhận 17.085 ca COVID-19, trong đó 6.128 ca cộng đồng; 7.814 ca trong khu cách ly tập trung, 2.846 ca tại khu phong tỏa; 84 trường hợp nhập cảnh; 213 trường hợp mắc tại các bệnh viện trước ngày 30-9.

Riêng giai đoạn thực hiện nghị quyết 128, Hà Nội có 12.187 ca mắc (trung bình 206,55 ca/ngày), trong đó 4.809 ngoài cộng đồng (39,46%), 5.897 tại khu cách ly (48,38%), 2.044 tại khu phong tỏa (16,77%), 28 ca nhập cảnh (4,61%).

Thừa Thiên - Huế: Mở cửa đón khách du lịch quốc tế cuối tháng 12

Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành kế hoạch tổ chức đón khách du lịch quốc tế trở lại nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, khôi phục các hoạt động du lịch tại địa phương.

Lộ trình triển khai đón khách du lịch quốc tế trở lại giai đoạn 1 (từ cuối tháng 12/2021 đến đầu tháng 1/2022) sẽ thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói/ khép kín thông qua hình thức tổ chức chuyến bay thuê nguyên chuyến (charter) đến Thừa Thiên - Huế. Ưu tiên đón khách đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ tiêm chủng cao, có độ an toàn cao về phòng, chống dịch bệnh COVID-19

Giai đoạn 2 (dự kiến từ đầu quý I năm 2022), rút kinh nghiệm từ giai đoạn 1, tiếp tục đón khách quốc tế đến tỉnh Thừa Thiên - Huế theo hình thức trọn gói và khép kín.

Giai đoạn 3, sẽ mở cửa lại hoàn toàn đối với thị trường khách du lịch quốc tế. Thời điểm triển khai căn cứ tình hình dịch bệnh thực tế, khi áp dụng cơ chế “hộ chiếu vaccine” đồng bộ trên toàn cầu và trên cơ sở đánh giá kết quả đón khách du lịch quốc tế trong 2 giai đoạn đầu.

Hải Phòng: Kêu gọi người dân tự mua kit test để tầm soát COVID-19

Ngày 11/12, ông Nguyễn Văn Tùng - chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiêm trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP kêu gọi người dân chủ động mua kit test giống như mua sắm thiết bị y tế thiết yếu trong tủ thuốc gia đình.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng yêu cầu các trạm y tế lưu động phải công khai số điện thoại của đội ngũ y, bác sĩ để người dân thuận lợi liên lạc khi cách ly F1 và điều trị F0 tại nhà.

Ông Tùng cũng đề nghị các doanh nghiệp dừng việc tiếp nhận các lao động thuộc diện chỉ định tiêm nhưng cố tình không tiêm vaccine. Đối với các trường hợp F0 thuộc diện chỉ định tiêm nhưng không thực hiện tiêm vaccine phòng dịch thì phải tự chi trả chi phí điều trị.

Long An: Xe khách cháy rụi trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

Tối ngày 11/12, xe khách loại 29 chỗ mang BS tỉnh Bến Tre, lưu thông trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hướng từ Tiền Giang đi TP.HCM. Khi đến đoạn thuộc địa bàn xã Nhị Thành, H.Thủ Thừa, Long An, tài xế phát hiện phía sau xe có khói và lửa nên cho xe dừng trên làn dừng khẩn cấp, đồng thời dùng bình chữa cháy trên xe để dập lửa.

Cùng thời điểm này, Đội tuần tra đảm bảo giao thông cứu hộ cứu nạn đường cao tốc TPHCM - Trung Lương đang trên đường tuần tra. Phát hiện vụ việc, lực lượng tuần tra phối hợp chính quyền địa phương cùng tài xế xe khách dập lửa nhưng ngọn lửa bùng phát mạnh khiến việc chữa cháy bất thành.

Nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Long An đã điều xe chữa cháy có mặt tại hiện trường để dập tắt ngọn lửa. Tuy nhiên, xe khách đã bị lửa thiêu rụi.

Tại thời điểm xảy ra cháy, trên xe không có hành khách. Hiện vụ cháy xe trên cao tốc Trung Lương - TPHCM đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra nguyên nhân và thống kê thiệt hại.

Cần Thơ: Tăng cường hỗ trợ, giám sát F0 tại nhà

Quản lý, điều trị F0 tại nhà quan trọng nhất là hỗ trợ kịp thời cho người bệnh khi cần. Điều này các địa phương tại Cần Thơ đang tập trung thực hiện. Bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà phải theo dõi cách ly, thăm khám sức khỏe hàng ngày. Chia sẻ khối công việc này, nhiều địa phương ở Cần Thơ đã thành lập các Tổ y tế cộng đồng tham gia hỗ trợ, giám sát F0.

Ngoài gói thuốc A, B được cấp theo quy định, Tổ y tế còn tặng thêm thuốc xông cùng nhiều loại cơ bản khác. Giúp F0 đi chợ hàng ngày qua đó giám sát việc chấp hành quy định cách ly, điều trị của người bệnh.

Quận Bình Thủy, TP Cần Thơ hiện có gần 50 Tổ y tế ở tất cả các khu vực. Lực lượng này gồm y tế, quản lý khu vực và các đoàn thể. Các Tổ cũng được hỗ trơ kịp thời thuốc men, vật tư y tế… để thực hiện tốt nhiệm vụ.

Cà Mau: Hệ thống y tế cơ sở quá tải

Tính từ tháng 7 đến tháng 12, trên địa bàn TP.Cà Mau có gần 5.300 ca mắc COVID-19, nhưng chỉ riêng từ ngày 1 – 11/12 có hơn 2.800 ca. Theo Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.Cà Mau, hiện tại hệ thống y tế, nhất là tuyến cơ sở quá tải, lực lượng y tế thiếu, trang thiết bị y tế điều trị không đảm bảo. Dự báo, trong thời gian tới dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Cà Mau kêu gọi toàn thể nhân dân thành phố hưởng ứng chiến dịch “Xét nghiệm sàng lọc - sớm đẩy lùi đại dịch Covid -19” với kế hoạch 3 ngày xét nghiệm 1 lần cho mỗi thành viên trong gia đình và thực hiện trong 3 lần. Lần 1 vào ngày 13/12; lần 2 vào ngày 16/12 và lần vào 3 ngày 19/12. Mỗi hộ gia đình tự thực hiện xét nghiệm (test nhanh) tại nhà và thông báo kết quả cho tổ Covid cộng đồng hoặc lực lượng y tế khóm, ấp nơi cư trú. Riêng đối với các gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ xét nghiệm.

Gia Lai: Tạm dừng hoạt động trung tâm thương mại TP. Pleiku vì COVID-19

Tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh Gia Lai ngày 12/12 cho biết đang tạm dừng hoạt động Trung tâm thương mại TP.Pleiku vì phát hiện ổ dịch COVID-19 ở đây.

Theo đó, qua xét nghiệm 900 người tại Trung tâm thương mại TP.Pleiku, ngành y tế đã ghi nhận 41 trường hợp dương tính với COVID-19. Theo các chỉ số xét nghiệm thì nhiều trường hợp này nhiều khả năng mới mắc bệnh, chứng tỏ tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm. Các trường hợp dương tính cư trú dàn trải ở nhiều địa bàn ở TP.Pleiku.

Hiện cơ quan chức năng tạm thời phong tỏa Trung tâm thương mại TP.Pleiku, đường Thi Sách, đường Ngô Gia Tự; tạm dừng tất cả các hoạt động kinh doanh; lấy mẫu xét nghiệm PCR của các ca dương tính và người nhà; tổ chức truy vết đồng thời tuyên truyền công dân có yếu tố dịch tễ liên quan đến khai báo các xã phường để xử lý.

Lâm Đồng: Bệnh nhân ung thư được tiêm vaccine COVID-19 liều bổ sung

Ngày 11/12, Sở Y tế Lâm Đồng phân bổ gần 122.000/149.760 liều vaccine Comirnaty - Pfizer được Bộ Y tế cấp (đợt 28 năm 2021) cho các đơn vị để tổ chức tiêm chủng cho các đối tượng theo quy định và tiêm liều bổ sung cho bệnh nhân ung thư và cho người suy giảm miễn dịch.

Theo thống kê, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 2.700 bệnh nhân ung thư và hơn 800 người suy giảm miễn dịch (bệnh nhân HIV). Các trường hợp đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Pfizer đủ 28 ngày sẽ được tiêm liều bổ sung. Sở Y tế tỉnh yêu cầu các trường hợp suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS), người bệnh mắc bệnh ung thư tiêm liều bổ sung trên địa bàn TP.Đà Lạt tiêm tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng; ở TP.Bảo Lộc tiêm tại Bệnh viện đa khoa II Lâm Đồng, còn các huyện tiêm tại trung tâm y tế huyện.

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 TRÊN THẾ GIỚI:

Trung Quốc: Một số thành phố biên giới xét nghiệm bắt buộc cho du khách nhập cảnh

Trung Quốc đã yêu cầu một số thành phố biên giới nước này tăng cường cảnh giác trước đại dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp, trong đó có xét nghiệm bắt buộc cho các du khách nhằm ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài.

Kể từ giữa tháng 10, các ca nhiễm trong cộng đồng có biểu hiện triệu chứng đã tăng lên tới hơn 2.000 ca tại Trung Quốc, phần nhiều ở các thị trấn nhỏ miền Bắc giáp biên giới Nga và Mông Cổ. Trước đó, hồi tháng 11, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi người dân ở các thành phố biên giới không đến thủ đô nếu không cần thiết.

Tin tổng hợp COVID-19 12/12: TPHCM đề xuất thí điểm đón khách quốc tế, sử dụng hộ chiếu vaccine 2
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở Cáp Nhĩ Tân, Hắc Long Giang, Trung Quốc, ngày 6/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ấn Độ làm được kit phát hiện nhanh Omicron

Thời gian qua phải mất từ 3-4 ngày mới có thể phát hiện biến thể Omicron với sự trợ giúp của các kit xét nghiệm hiện có. Tuy nhiên, Ấn Độ vừa phát triển loại kit xét nghiệm rút ngắn thời gian còn 2 giờ.

Điều này rất quan trọng vì hiện tại cần tối thiểu 36 giờ để giải trình tự đích và 4-5 ngày để giải trình tự toàn bộ bộ gene để phát hiện biến thể này. Diễn biến này được ghi nhận vào thời điểm biến thể Omicron đang xuất hiện ở nhiều bang của Ấn Độ, với ít nhất 33 ca mắc biến thể Omicron được phát hiện tại quốc gia Nam Á này đến nay.

Bất chấp COVID-19, Dubai vẫn 'hút' giới nhà giàu

Với tỉ lệ phủ vaccine thuộc loại cao nhất thế giới (90%), tỉ lệ lây nhiễm thấp, chính sách biên giới mở và đặc biệt thuế thu nhập cá nhân bằng 0, thành phố - tiểu vương quốc Dubai của UAE đã trở thành điểm đến hấp dẫn với giới siêu giàu, doanh nhân và du khách trong năm qua bất chấp đại dịch COVID-19.

Thực tế này dĩ nhiên không tự nhiên mà có. Nó là thành quả của nỗ lực quản trị dịch bệnh và cả quyết tâm thay đổi những thói quen lâu nay của chính quyền UAE.

Hàn Quốc áp dụng chính sách cắt giảm tiếp xúc giữa người với người

Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào việc loại bỏ dần sự tiếp xúc của con người trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Tuy nhiên, điều này lại gây lo ngại về hậu quả lâu dài liên quan đến xã hội.

Được ra mắt năm 2020, “không tiếp xúc” là chính sách của chính phủ Hàn Quốc hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc giảm tương tác của con người khỏi xã hội. Chính sách này đã tăng tốc trong dịch COVID-19 và mở rộng ra nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, kinh doanh và giải trí.

Hà Lan phát hiện đường dây cung cấp virus SARS-CoV-2

Cụ thể, cảnh sát Hà Lan thông báo đã bắt giữ một người đàn ông có liên quan tới một trang chuyên cung cấp virus SARS-COV-2 cho những đối tượng muốn tự lây nhiễm nhằm có được chứng nhận phục hồi sau mắc COVID-19, hòng tránh những quy định hạn chế của Chính phủ Hà Lan đối với những người chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.

Người đàn ông trên, chưa được tiết lộ danh tính, đã bị cảnh sát tài chính Hà Lan buộc tội có những hoạt động giao dịch trái phép. Cũng theo cảnh sát Hà Lan, trang mạng trên trước đó đã cung cấp virus SARS-CoV-2 dưới hình thức “bộ xét nghiệm corona”  với giá gần 38 USD hiện đã bị xóa sổ.

Giới trẻ Luxembourg học cách đối phó với tin giả về COVID-19

Trong bối cảnh cả thế giới đang phải chống chọi với dịch COVID-19, thanh thiếu niên Luxembourg không thoát khỏi sự lan truyền của những thông tin sai lệch xung quanh đại dịch. Nhưng không giống như những người lớn tuổi, lớp trẻ được chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với chúng.

Mặc dù việc nâng cao nhận thức này có thể được thực hiện trong suốt cả năm, lồng ghép vào các môn học khác nhau trong chương trình giảng dạy cho học sinh, nhưng việc mở một khóa học mới chuyên về "tin giả" kể từ khi năm học bắt đầu có ý nghĩa đặc biệt hơn. Khoá học “Khoa học kỹ thuật số” đã được đưa vào chương trình lớp 12 trên khắp Luxembourg.