Tin tổng hợp ngày 17/1: Đề xuất học sinh mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM học trực tiếp từ 14/2

(VOH) - Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM có tờ trình đề xuất UBND Thành phố tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn từ 7/2/2022.

Nghe bản tin

Đề xuất học sinh mầm non đến lớp 6 ở TP.HCM học trực tiếp từ 14/2

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM hiện tình hình dịch bệnh đã và đang được kiểm soát tốt. Gần như toàn bộ người dân tại TP.HCM từ 12 tuổi trở lên tiêm vắc xin mũi thứ 2 và thành phố đang triển khai tiêm vắc xin mũi thứ 3.

Theo đó, lộ trình từ 7/2, các cơ sở giáo dục sẵn sàng công tác chuẩn bị đón trẻ, học sinh trở lại trường học trực tiếp.

tin-tong-hop-ngay-17-1-voh.com.vn-anh1
Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất từ 14/2 sẽ đón trẻ mầm non và học sinh các lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường. (Ảnh: VOH)

Từ 10 - 13/2, cơ sở giáo dục tổ chức họp phụ huynh để triển khai các vấn đề cần lưu ý về việc phối hợp với nhà trường chăm sóc trẻ, tổ chức dạy học trực tiếp. Bên cạnh đó, nhà trường tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong trường học.

Từ 14/2, trẻ mầm non, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 sẽ được đến trường học trực tiếp.

Sở GD-ĐT yêu cầu ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP.Thủ Đức và các quận, huyện sẽ kiểm tra, thẩm định kế hoạch, phương án phòng chống dịch Covid-19 của các cơ sở giáo dục trước khi tổ chức học tập trực tiếp trở lại.

TP.HCM: Tiếp tục duy trì là “vùng xanh” Covid-19

Trong 2 tuần liên tiếp, kết quả đánh giá cấp độ dịch tại TP.HCM theo Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế là cấp độ 1, tức vùng xanh.

Trước đó, ngày 19/10/2021, lần đầu tiên TP.HCM công bố cấp độ dịch, ghi nhận ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình - màu vàng) và duy trì liên tục đến đầu tháng 1.2022. Ngày 8.1, TP.HCM đạt cấp độ 1 (nguy cơ thấp - vùng xanh) và duy trì đến nay. Các chỉ số về số ca mắc mới, ca chuyển nặng phải nhập viện trong các tuần qua đều có xu hướng giảm.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đánh giá, việc ca bệnh tại TP.HCM giảm nhiều như hiện nay là kết quả của hoạt động tiêm vắc xin, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền các cấp, của ngành y tế và ý thức người dân ngày càng nâng cao. Các chuyên gia y tế đánh giá việc kéo giảm ca bệnh này là bền vững trong 2 - 3 tháng tới.

TP.HCM: Nhiều người dân được khám hậu COVID-19 miễn phí

Ngày 16/1, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM tổ chức lễ phát động chương trình "Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu nhiễm COVID-19" với chủ đề "Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc".

Trong buổi sáng đã có khoảng 250 người dân thuộc quận Phú Nhuận sau khi khỏi COVID-19 được khám miễn phí và hàng chục trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch được nhận phần quà từ viện.

tin-tong-hop-ngay-17-1-voh.com.vn-anh2
Nhiều người dân được khám miễn phí tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. (Ảnh: TTO)

BS.CKII Huỳnh Nguyễn Lộc - phó chủ tịch Trung ương Hội Đông y Việt Nam, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho hay với mong muốn chia sẻ, mang lại niềm vui, điều tốt nhất đến sức khỏe người dân TP; viện cùng với các đơn vị đồng hành đã tổ chức khám sức khỏe tầm soát, tư vấn miễn phí cho 12.000 người dân.

Nhiều đường bay Tết đã gần hết vé

Vietnam Airlines ngày 17/1 cho biết đã ghi nhận nhiều đường bay có tỷ lệ lấp đầy từ 70% đến 90% trong những ngày áp Tết, như các đường từ TP HCM đi Hà Nội, Vinh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Quảng Nam... So với mọi năm, hành khách bay sớm hơn, khi nhiều chuyến bay từ ngày 17-1 đến 23-1 đã tương đối đầy chỗ, chứ không chỉ dồn vào một vài ngày trước Tết.

Bên cạnh các đường bay kể trên, một số đường bay khác có lượng đặt chỗ không quá đột biến, vẫn còn nhiều chỗ đón khách như từ TP HCM đi Đà Nẵng, Tuy Hòa, Đà Lạt; Hà Nội đi Đồng Hới, Tuy Hòa, Cần Thơ...

Trước đó, Vietnam Airlines Group đã thông báo tăng mạnh tần suất nhiều đường bay, trung bình mỗi ngày thực hiện khoảng 300 chuyến bay một chiều, số ghế cung ứng tăng 120% so với hiện tại nhằm phục vụ cao điểm Tết 2022.

Khuyến nghị với hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán bằng đường hàng không

Các hãng hàng không đang tiếp tục mở bán vé Tết với nhiều mức giá vé, phù hợp với đa dạng nhu cầu và mức chi trả của hành khách. Hành khách lưu ý mua vé trên website, đại lý, phòng vé chính thức của các hãng và yêu cầu xuất hóa đơn để tránh mua phải vé giả, vé bị nâng giá... Đối với khách mua vé trên website, cần đặc biệt chú ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của các hãng.

Để hạn chế tiếp xúc và tiết kiệm thời gian ở sân bay, hành khách nên làm thủ tục trước qua website, ứng dụng di động, qua điện thoại (telephone check-in) hoặc tại các quầy tự làm thủ tục (kiosk check-in) trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành. Đồng thời, hành khách lưu ý khai báo Di chuyển nội địa trên ứng dụng PC-COVID trước khi đến sân bay. Hành khách người lớn hoặc trẻ em từ 2 đến dưới 12 tuổi chưa tiêm đầy đủ mũi vaccine hoặc có xác nhận khỏi bệnh COVID-19 đáp ứng quy định của cơ quan chức năng, thì khi làm thủ tục trước chuyến bay, cần xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.

Hải Phòng: Liên tục có người tử vong vì Covid-19

Tính từ ngày 10/1 đến nay, TP.Hải Phòng đã có 10 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người tử vong tại TP.Hải Phòng đến nay là 31 người.

Theo Sở Y tế TP.Hải Phòng, các ca tử vong đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19.

Hiện tại, TP.Hải Phòng được xác định là vùng cam nên đã khôi phục một số hoạt động vận tải tại bến xe khách Thượng Lý và bến xe Đồ Sơn.

Thanh Hóa: người về từ các địa bàn dịch cấp độ 1 thì chỉ cần khai báo y tế

 Người dân từ các địa phương khác trở về Thanh Hóa được kiểm soát chặt chẽ tùy theo từng cấp độ dịch. Cụ thể: người về từ các địa bàn dịch cấp độ 1 thì chỉ cần khai báo y tế và luôn thực hiện “5K”.

Người về từ địa bàn dịch cấp độ 2 hoặc người tiếp xúc gần với F2 (F3) khi về Thanh Hóa phải theo dõi sức khỏe 7 ngày (kể từ ngày về địa phương).

Đối với người về từ địa bàn dịch cấp độ 3 hoặc người tiếp xúc gần với F1 (F2), nếu đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng thì tự cách ly tại nhà 7 ngày; những người tiêm chưa đủ liều vắc xin thì tự cách ly tại nhà 7 ngày; những người chưa tiêm vắc xin hoặc là F2 thì cách ly tại nhà 14 ngày, và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe thêm 14 ngày.

Đối với người về từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc vùng cách ly y tế nếu đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng) thì thực hiện cách ly tại nhà, (nếu đủ điều kiện) 7 ngày và thực hiện xét nghiệm theo quy định; những người tiêm chưa đủ liều vắc xin thì cách ly tại nhà (nếu đủ điều kiện) 7 ngày, và tự theo dõi sức khỏe 7 ngày tiếp theo; những người chưa tiêm vắc xin hoặc F1 thì cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà 14 ngày, tiếp tục theo dõi sức khỏe 14 ngày tiếp theo.

TIN THẾ GIỚI

Biến thể Omicron gây các triệu chứng nhẹ hơn so với biến thể Delta

Một nghiên cứu mới đăng trên trang y tế medRxivcho thấy biến thể Omicron gây các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2. Nguy cơ phải điều trị tích cực giảm 74%, trong khi nguy cơ tử vong giảm 91%. Bên cạnh đó, các bệnh nhân nhiễm Omicron phục hồi nhanh hơn và được xuất viện sớm hơn các bệnh nhân nhiễm Delta.

tin-tong-hop-ngay-17-1-voh.com.vn-anh3
Omicron rất dễ lây nhiễm nên có khả năng sẽ làm tăng số ca nhập viện. (Ảnh: internet)

Số liệu cho thấy người nhiễm Omicron ở độ tuổi 20-30 tuổi nhiều hơn so với người nhiễm Delta ở độ tuổi này. Bên cạnh đó, các ca nhiễm Delta hầu hết ở khu vực có thu nhập thấp hơn, là người da trắng và có bệnh nền. Số ca nhiễm Omicron tăng theo tuần, trừ tuần Giáng Sinh, thời điểm kỳ nghỉ làm giảm tiến độ xét nghiệm.  

Hạ viện Pháp thông qua việc áp dụng thẻ thông hành vaccine

Hạ viện Pháp hôm qua đã thông qua lần cuối cùng các biện pháp mới nhất của chính phủ nước này nhằm phòng ngừa dịch bệnh COVID-19, trong đó có việc áp dụng thẻ thông hành vaccine. Động thái này mở đường cho các biện pháp mới phòng ngừa dịch bệnh có hiệu lực trong những ngày tới tại Pháp. 

Theo đó, người dân Pháp phải xuất trình chứng nhận tiêm vaccine khi vào các địa điểm công cộng như nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim và tàu đường dài. Hiện nay, những người chưa tiêm chủng vẫn có thể vào những địa điểm trên nếu có kết quả xét nghiệm âm tính. 

Hãng Gennova (Ấn Độ) nghiên cứu bào chế vaccine đặc hiệu với Omicron Công ty dược phẩm sinh học Gennova của Ấn Độ đang nghiên cứu một vaccine ngừa COVID-19 đặc hiệu với biến thể Omicron, dự kiến  có thể ra mắt trong một hoặc hai tháng tới.

Sản phẩm trên sẽ cần một cuộc thử nghiệm tại Ấn Độ trước khi được triển khai trong chiến dịch tiêm mũi tăng cường hoặc tiêm mũi cơ bản. Gennova đã trình cơ quan quản lý dược phẩm Ấn Độ các dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccine theo công nghệ mRNA này để xin cấp phép.

Loạt thành phố Trung Quốc siết quy định chống Covid-19 cận Tết

Nhiều thành phố Trung Quốc yêu cầu cư dân thông báo trước khi trở về trong dịp Tết nguyên đán, do lo ngại biến chủng Omicron lây lan. Giới chức Trung Quốc cảnh báo biến chủng Omicron sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong bối cảnh hàng trăm triệu người di chuyển khắp đất nước trước dịp Tết nguyên đán cuối tháng này.

Các thành phố như Lạc Dương ở miền trung và Yết Dương ở miền nam hôm qua yêu cầu người dân thông báo cho chính quyền, chủ doanh nghiệp và khách sạn ít nhất ba ngày trước khi đến. Những người đến Ngọc Lâm phải điền tờ khai điện tử, trong đó bao gồm chứng nhận sức khỏe và chi tiết hành trình, ít nhất một ngày trước khi đặt chân đến thành phố.

Nhiều chính quyền địa phương đã khuyến cáo cư dân tránh đi lại không cần thiết trong dịp Tết, hàng chục chuyến bay quốc tế và nội địa cũng bị đình chỉ trong giai đoạn này. 

Italy: Y tá vờ tiêm chủng cho người bài vaccine

Cảnh sát bắt một y tá ở thành phố Palermo với cáo buộc giả vờ tiêm cho những người bài vaccine để họ lấy chứng nhận tiêm chủng. Cảnh sát đã sử dụng camera ngụy trang để ghi hình nữ y tá 58 tuổi đang làm việc tại một trung tâm tiêm chủng.

Đây không phải lần đầu tiên một y tá bị bắt ở Italy vì giả vờ tiêm vaccine Covid-19. Hàng chục nhân viên y tế, bao gồm ít nhất ba bác sĩ, đã bị buộc tội hoặc điều tra vì nghi ngờ tiêm vaccine giả trong những tháng gần đây, với một số người trả tới hơn 450 USD cho dịch vụ này.

Theo các nhà điều tra, những người biểu tình chống vaccine sẵn sàng trả tiền để nhận được cái gọi là "thẻ siêu xanh", do chính phủ Italy ban hành vào tháng 12 năm ngoái. Họ phải có nó để vào rạp chiếu phim, phòng gym, hộp đêm hay sân vận động, cũng như được phục vụ tại các quán bar và nhà hàng.

CẢNH GIÁC/KHUYẾN CÁO MÙA COVID

Phòng ngừa rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ khi học trực tuyến dài ngày

Theo PGS. TS. Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần – Bệnh viện Quân y 103, hiện nay, tại nhiều địa phương, học sinh phải học trực tuyến do đại dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp. Việc học trực tuyến dài ngày ảnh hưởng xấu đến cảm xúc và hành vi của các cháu.

tin-tong-hop-ngay-17-1-voh.com.vn-anh4
Rối loạn giấc ngủ ở trẻ do học trực tuyến dài ngày. (Ảnh minh họa: internet)

1. Biểu hiện rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ

- Rối loạn giấc ngủ

- Ít vận động

- Thay đổi thói quen ăn uống

- Nhức đầu

- Mắt khô hoặc đỏ

- Đau ngón tay, đau cổ và đau lưng

- Giảm hiệu suất học tập

- Dễ cáu kỉnh vô cớ

- Giảm sút năng lượng

- Khí sắc trầm cảm

- Mất quan tâm đến các hoạt động khác

- Cách ly khỏi xã hội, gia đình và bạn bè

2. Phòng ngừa rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ

Chúng ta phải tìm mọi cách giảm thời gian học trực tuyến, giảm lượng bài tập làm thêm, cắt bỏ các chương trình không cần thiết để giảm áp lực học tập của các cháu. Đó phần lớn là công việc của nhà trường. Nhưng phụ huynh học sinh nên có những ý kiến phản hồi để cùng nhà trường xây dựng chương trình học tập thực tế hơn.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần tạo mọi điều kiện để các cháu có những hoạt động như lúc bình thường, ví dụ đi bộ, đi mua sắm, tập thể thao, nghe nhạc, xem phim... Tất nhiên, chúng ta cần tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, sát trùng tay, không tập trung đông người... để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2.

Trên hết, tiêm phòng vaccin phòng COVID - 19 cho trẻ để trẻ đến trường học trực tiếp.