Tin tổng hợp trưa 27/11: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’ ở TPHCM

Bản đồ COVID-19 tối 26/11 hiển thị có thêm 1 địa phương giảm cấp độ dịch (từ vùng vàng sang xanh), nâng tổng số địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp) là 12.

TIN TRONG NƯỚC

Nhiễm COVID tại bệnh viện trong quá trình khám chữa bệnh, ai chi trả?

BHXH TPHCM thống nhất hướng dẫn bổ sung cho các cơ sở khám chữa bệnh BHYT về việc xác định chi phí khám, chữa bệnh nội trú liên quan đến điều trị bệnh COVID-19 thuộc phạm vi BHYT thanh toán. Cụ thể như sau:

Trường hợp 1: người bệnh được chỉ định xét nghiệm COVID 19 (test nhanh hoặc RT-PCR)  ngay trong ngày nhập viện và được xác định âm tính thì thanh toán BHYT như các bệnh thông thường.

Trường hợp 2: người bệnh được chỉ định xét nghiệm COVID 19 (test nhanh hoặc RT-PCR) ngay trong ngày nhập viện và được xác định âm tính nhưng sau đó mắc COVID-19 trong quá trình điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh và được ghi nhận trong hồ sơ bệnh án thì thanh toán BHYT từ khi nhập viện đến khi xác định mắc COVID-19.

Tin tổng hợp trưa 27/11: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’ ở TPHCM 1
Ảnh minh họa - Nguồn: Cổng thông tin Sở Y tế TPHCM

TPHCM: Cập nhật hướng dẫn xét nghiệm cho người đi làm

Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản cập nhật hướng dẫn tổ chức xét nghiệm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ quan, công sở (gọi chung là cơ sở lao động) trên địa bàn TP.

Các cơ sở lao động thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho người lao động, khi có một trong các triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ.

Khi bắt đầu lại hoạt động sản xuất với công suất 100% người lao động quay lại làm việc, các đơn vị thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhanh (mẫu gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (mẫu gộp 10-20).

Tùy theo cấp độ dịch của TP, các cơ sở lao động sẽ tiếp tục tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên định kỳ.

TPHCM: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’

Mặc dù những ngày qua, số ca nhiễm mới và tử vong tại TPHCM đều tăng, bản đồ COVID-19 tối 26/11 hiển thị có thêm 1 địa phương giảm cấp độ dịch (từ vùng vàng sang xanh), nâng tổng số địa phương đạt cấp độ 1 (vùng xanh, nguy cơ thấp) là 12. 10 địa phương còn lại thuộc cấp độ 2 (vùng vàng, nguy cơ trung bình).

Tin tổng hợp trưa 27/11: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’ ở TPHCM 2
 Với nỗ lực của chính quyền và sự chung sức, đồng lòng của người dân TPHCM, các “vùng xanh” trên bản đồ dịch COVID-19 đang được bảo vệ và mở rộng - Ảnh: MTTQVN

Tại các bệnh viện dã chiến trên địa bàn TP, hầu hết giường bệnh gần như đã kín bệnh nhân F0, có nơi phải kê thêm giường xếp. Riêng ngày 26/11, TP có thêm 1.809 ca (tăng 227 ca so với ngày trước) và đây cũng là ngày có số ca nhiễm cao nhất kể từ ngày 4/10.

TPHCM: Các quận, huyện Bình Tân, Bình Chánh chi tiền hỗ trợ COVID-19 chưa đạt 50%

Chiều 26/11, ông Nguyễn Bảo Cường - trưởng phòng lao động - tiền lương, Sở Lao động - thương binh và xã hội - cho biết hiện nhiều quận, huyện đã chi trả tiền hỗ trợ gói thứ 3 cho người dân đạt tỉ lệ cao, như quận 5 đạt 100%, quận 10 đạt gần 100%. Tuy nhiên, một số quận huyện đạt tỉ lệ thấp như huyện Bình Chánh chỉ mới chi hỗ trợ được hơn 41%, quận Bình Tân mới đạt gần 50%.

Ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM cho rằng, mục đích các gói hỗ trợ là làm sao kịp thời đến với người dân khi họ gian nan, khó khăn nhất. Tuy nhiên, đến nay người dân đã đi làm lại, tạm qua khó khăn nhưng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ. Ông Bình đề nghị Sở Tài chính rà soát các nguồn, sớm kiến nghị TP chi trả cho người dân. 

Tây Nam Bộ: F0 tăng mạnh, ngành y tế quá tải

Số nhiễm COVID-19 tại khu vực Tây Nam Bộ đang gia tăng mạnh trong hơn 1 tuần gần đây và là khu vực có số nhiễm cao nhất nước.

Trong danh sách các tỉnh thành có số mắc cao, Cần Thơ đang là địa phương có số ca tăng nhanh. Do tình trạng quá tải điều trị bệnh nhân nặng, sở Y tế Cần Thơ đã có văn bản trình UBND TP đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị y tế và nhân lực điều trị; đồng thời xin tạm ứng thuốc để phục vụ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà. Để hỗ trợ ngành y tế trong công tác chăm sóc, cấp phát thuốc cho F0 đang điều trị tại nhà, TP đã tổ chức 83 trạm y tế lưu động và nhờ Đại học Y dược Cần Thơ tăng cường nhân lực.

Tại Sóc Trăng, Đại diện sở y tế cho biết dù đã nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch nhưng cũng như một số tỉnh ở miền Tây, số ca mắc mới của Sóc Trăng trong những ngày qua vẫn tăng mạnh. Số ca mắc tăng song do Sóc Trăng mạnh dạn cho F0 không triệu chứng cách ly tại nhà nên chưa xảy ra quá tải cho các bệnh viện điều trị COVID-19. Để dự phòng, Sóc Trăng đã đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ 3 hệ thống oxy cho bệnh viện tuyến huyện.

Vận động tháo gỡ bảng 'không phục vụ khách ngoài tỉnh' tại Đà Lạt

Chiều 26/11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.Đà Lạt đã chỉ đạo phường, xã vận động các cửa hàng tháo gỡ bảng có nội dung “không phục vụ khách ngoài tỉnh”, “vì dịch bệnh quán tạm không phục vụ khách du lịch và khách ngoài tỉnh”…

Tin tổng hợp trưa 27/11: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’ ở TPHCM 3
Chủ quán cà phê trên đường Bùi Thị Xuân tự tháo gỡ bảng "Quán chỉ phục vụ khách địa phương" - Ảnh: TNO

Đến nay trên địa bàn TP. Đà Lạt, người dân đã ý thức và tháo gỡ những tấm bảng có nội dung phản cảm như trên. Việc này để du khách và người ngoài tỉnh khi đến với Đà Lạt không còn hiểu lầm người Đà Lạt kỳ thị người ngoài tỉnh và không cảm thấy bị phân biệt. TP. Đà Lạt đang nỗ lực khống chế dịch Covid-19 không lây lan ra cộng đồng và chuẩn bị để đón du khách xa gần đến nghỉ dưỡng, tham quan dịp cuối năm và tết Nhâm Dần.

TIN THẾ GIỚI

Thái Lan:  mở cửa đường bộ, đường biển từ tháng 12

Thái Lan sẽ cho phép khách du lịch nhập cảnh bằng đường bộ và đường biển. Cụ thể, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) sẽ cho phép mở lại cửa khẩu ở Nong Khai, tỉnh giáp ranh với Lào, từ ngày 24/12. Thông tin nhập cảnh bằng đường biển sẽ thông báo sau.

Đối với hàng không, CCSA đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế Thái Lan điều chỉnh các quy định về xét nghiệm đối với du khách từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xét nghiệm PCR sẽ được thay bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh từ ngày 16/12. 

Như vậy, du khách sẽ có thể tự do đi lại ngay sau khi có kết quả xét nghiệm nhanh thay vì phải ở lại 1 đêm tại khách sạn để chờ kết quả PCR. Việc điều chỉnh là do tỉ lệ du khách nhập cảnh mắc COVID-19 thấp trong thời gian qua.

Dù vậy, tất cả các địa điểm giải trí ban đêm sẽ tiếp tục đóng cửa đến giữa tháng 1/2022.

Tin tổng hợp trưa 27/11: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’ ở TPHCM 4
 Khách du lịch tại Bangkok, Thái Lan ngày 2/11/2021 - Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan tiếp tục các biện pháp mở cửa trong bối cảnh số ca bệnh mới hằng ngày ở nước này vẫn ở mức thấp, hơn 6.550 ca ghi nhận vào ngày 26/11.

Mỹ hạn chế đi lại với 8 quốc gia châu Phi

Các hạn chế, có hiệu lực từ ngày 29/11, sẽ không cấm các chuyến bay hoặc áp dụng đối với công dân Hoa Kỳ và thường trú nhân hợp pháp của Mỹ, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết.

Mỹ nằm trong số các quốc gia trên thế giới đã phản phản ứng ngay lập tức với biến thể mới B.1.1.529 bằng lệnh cấm đi lại với người đến từ một số quốc gia miền Nam châu Phi. Biến thể này được đặt tên là Omicron và Tổ chức Y tế Thế giới cho biết được phân loại là biến thể đáng lo ngại.

Các hạn chế trên được áp dụng đối với 8 quốc gia gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi. Công dân không phải người Mỹ đã ở các quốc gia này trong vòng 14 ngày trước đó sẽ không được phép nhập cảnh vào Mỹ.

Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm đi lại từ đầu năm 2020 đối với 33 quốc gia bao gồm Nam Phi, Trung Quốc, phần lớn châu Âu, Ấn Độ, Brazil, Ireland, Anh và Iran vào ngày 8/11.

Liên quan đến biến thể Omicron, Bộ trưởng Bộ Y tế Canada Jean-Yves Duclos cho biết, Canada đã đóng cửa biên giới với những du khách nước ngoài gần đây đã đến 7 quốc gia miền Nam châu Phi nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể mới được phát hiện ở Nam Phi.

Siêu biến thể mới chính thức có tên là Omicron

Cơ quan y tế toàn cầu WHO đã họp vào ngày 26/11 để đặt tên cho biến thể mới B.1.1.529 và quyết định phân loại biến chủng này là biến thể đáng lo ngại, thay vì xếp loại ít nghiêm trọng hơn là biến thể đáng quan tâm.

Biến thể Delta, gây ra tình trạng gia tăng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu sau khi được phát hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 12/2020, cũng đã được WHO xếp vào loại biến thể đáng lo ngại vào đầu năm 2021.

WHO đã áp dụng cách đặt tên các biến thể theo những chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp, một phần là để tránh sự kỳ thị địa lý gắn liền với các khu vực nơi chúng được xác định lần đầu tiên. Nhiều nhà quan sát đã mong đợi B.1.1.529 được đặt tên là "Nu".

Tin tổng hợp trưa 27/11: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’ ở TPHCM 5
Biến thể mới B.1.1.529 được WHO đặt tên là Omicron - Ảnh: AP

Liên quan đến Omicron, WHO cho biết, biến chủng này có một số lượng lớn các đột biến. WHO xác nhận: "Bằng chứng sơ bộ cho thấy, nguy cơ tái nhiễm với biến thể này tăng lên so với các chủng khác".

Thuốc Molnupiravir trị COVID-19 được chỉnh lại độ hiệu quả

Ngày 26/11, hãng dược Mỹ công bố kết quả nghiên cứu trên 1.400 bệnh nhân mắc COVID-19 cho thấy thuốc Molnupiravir giúp giảm 30% nguy cơ nhập viện và tử vong. Tỉ lệ này giảm mạnh so với nghiên cứu trên 775 bệnh nhân vào tháng 10/2021, trong đó mức độ bảo vệ của thuốc là 50%.

Dữ liệu được công bố ngay trước khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ công bố tài liệu gửi cho ủy ban các chuyên gia cố vấn dự kiến họp vào ngày 30/11 tới. Các chuyên gia sẽ thảo luận việc có nên đề xuất cấp phép thuốc Molnupiravir hay không.

Merck đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng thuốc Molnupiravir vào ngày 11-10 dựa trên dữ liệu ban đầu. 

Trong cuộc thử nghiệm mới nhất, 6,8% số bệnh nhân sử dụng Molnupiravir phải nhập viện điều trị, trong số này có 1 trường hợp tử vong. Nhóm sử dụng giả dược có tỉ lệ nhập viện là 9,7%.

Thuốc trị COVID-19 Molnupiravir của Merck và thuốc của đối thủ Pfizer được đánh giá có thể tạo ra bước ngoặt trong cuộc chiến chống dịch với khả năng điều trị sớm tại nhà để giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.

Theo dữ liệu của Pfizer, dựa trên đánh giá 1.200 bệnh nhân, thuốc của hãng này giúp giảm đến 89% nguy cơ nhập viện, tử vong so với giả dược.

Trung Quốc: Các tỉnh thành cho nghỉ hộ sản lâu hơn để tăng dân số

Thủ đô Bắc Kinh và Thượng Hải thông báo thời gian nghỉ hộ sản của phụ nữ ở 2 thành phố này sẽ tăng thêm 30 ngày, lên tổng cộng 158 ngày. Trong khi đó, ở tỉnh Chiết Giang, phụ nữ sinh con thứ 2 sẽ được nghỉ đến 188 ngày.

Hiện tại, theo quy định chung của Trung Quốc, phụ nữ được nghỉ hộ sản có lương tối đa 98 ngày.

Trước đó, tỉnh Thiểm Tây thậm chí đề xuất cho nghỉ hộ sản đến 1 năm. Trong đề xuất được đưa ra lấy ý kiến người dân vào đầu tháng 11/2021, chính quyền tỉnh này muốn nâng gấp đôi thời gian nghỉ hộ sản cho phụ nữ trong tỉnh, bằng với các nước châu Âu như Đức, Na Uy. Nam giới cũng được nghỉ hộ sản 30 ngày.

Tin tổng hợp trưa 27/11: Thêm địa phương chuyển từ vùng ‘vàng’ sang ‘xanh’ ở TPHCM 6
Bất chấp các biện pháp khuyến khích, tỉ lệ sinh ở Trung Quốc vẫn rất thấp - Ảnh: Global Times

Tại Bắc Kinh, nam giới được nghỉ hộ sản 15 ngày (để chăm sóc vợ) nhưng có thể nghỉ thêm nếu lấy ngày nghỉ từ vợ hoặc người yêu.

Tuy nhiên nhiều ý kiến lo ngại chính sách này sẽ gây bất lợi cho phụ nữ vì khiến các công ty ngần ngại thuê nhân viên nữ.

Trung Quốc nới lỏng chính sách 1 con vào năm 2016, cho phép các cặp đôi có trên 2 con. Dù vậy, chi phí sống cao vẫn khiến nhiều người ngần ngại sinh thêm con. Năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận tỉ lệ sinh là 8,52 trên 1.000 dân, mức thấp nhất kể từ năm 1978.