Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ VN dự Hội nghị các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ 18

(VOH) Bộ trưởng Bộ KH & CN Huỳnh Thành Đạt vừa tham dự và phát biểu tại Hội nghị bàn tròn các Bộ trưởng KH & CN lần thứ 18.

Đây là sự kiện bên lề Hội nghị thường niên Diễn đàn Khoa học, Công nghệ với Xã hội.

Hội nghị thường niên Diễn đàn Khoa học, Công nghệ với Xã hội là sự kiện thường niên hằng năm được tổ chức tại Kyoto, Nhật Bản từ năm 2004 đến nay.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo các Bộ trưởng, các nhà lãnh đạo và cố vấn khoa học từ rất nhiều quốc gia trên thế giới, cùng trao đổi về các thách thức, triển vọng và tầm nhìn cho khoa học và công nghệ trong tương lai.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ VN dự Hội nghị các Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ lần thứ 18 1

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị. Nguồn: Bộ KH-CN

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Hội nghị năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Thách thức toàn cầu trong thế giới hậu Covid-19” do Bộ trưởng phụ trách chính sách khoa học và công nghệ Nhật Bản chủ trì với đại diện đến từ 57 quốc gia, trong đó có 42 Bộ trưởng, 15 cấp Thứ trưởng và tương đương.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung liên quan đến giải quyết các thách thức toàn cầu song song với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển bền vững dựa trên vai trò quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; chia sẻ bài học kinh nghiệm của mỗi quốc gia trong phòng chống dịch Covid-19, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với dịch bệnh nhằm hướng tới việc tiếp cận nhanh chóng và công bằng với vắc xin, thuốc, phương pháp điều trị ở cấp độ toàn cầu cũng như việc quản lý rủi ro có thể xảy ra do làn sóng biến thể Covid-19 mới.

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phải mạnh mẽ đổi mới tư duy trong quản lý khoa học và công nghệ bởi đại dịch Covid-19 đặt nhân loại trước bài toán sinh tử, chưa có tiền lệ nên đòi hỏi phải có các giải pháp đặc biệt, mang tính ngoại lệ.

Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Bộ trưởng cho rằng, để đảm bảo cho mọi người được tiếp cận công bằng và sớm nhất có thể đối với vắc xin phòng Covid-19, cần rút ngắn thời gian và trình tự đề xuất, bình duyệt và phê duyệt nhiệm vụ nghiên cứu, khuyến khích thử nghiệm và chấp nhận thất bại, đồng thời, thúc đẩy tinh thần khoa học mở và đổi mới sáng tạo mở.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng kêu gọi ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin phòng Covid-19 nhằm mở rộng và tăng cường sản xuất vắc xin trên phạm vi toàn cầu. Bộ trưởng đề xuất hình thành các nền tảng chia sẻ thông tin sáng chế, dữ liệu, công bố khoa học và phương tiện nghiên cứu nhằm giúp các nước chậm phát triển hơn có thể tiếp cận và bắt kịp với xu hướng phát triển của khoa học và công nghệ thế giới.