Yếu tố quan trọng nhất của chuyển đổi số: quản lý và phân tích dữ liệu

(VOH) – Những doanh nghiệp xem dữ liệu như một tài sản chiến lược sẽ tồn tại và phát triển mạnh. Dữ liệu quan trọng ngang bằng với chiến lược maketing, khách hàng, sản phẩm và thu hút nhân tài cho DN.

Sáng nay 24/6, 400 đại biểu là lãnh đạo trong các ngành công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng, y tế, bất động sản, giáo dục, thương mại tham dự “Diễn đàn Viet Nam Data Summit 2022: Để data lên tiếng” tại TPHCM.

Quang cảnh Diễn đàn Viet Nam Data Summit 2022: Để data lên tiếng” tại TPHCM
Quang cảnh Diễn đàn Viet Nam Data Summit 2022: Để data lên tiếng” tại TPHCM

Diễn đàn do Hội Tin học TPHCM phối hợp Western Digital Việt Nam tổ chức, đã thảo luận các vấn đề như: Vai trò của data trên hành trình chuyển đổi số; Xu hướng data trên thế giới; Con đường quan trọng để chuyển data thành giá trị cho doanh nghiệp; Data cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Xây dựng đội ngũ xử lý data cho doanh nghiệp; Các nghiên cứu từ doanh nghiệp khai thác data thành công.

Theo ông Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, theo số liệu thống kê tại Internet Day 2021, Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất thế giới. Tỷ lệ người sử dụng internet là hơn 70%. Trong khi đó, tỉ lệ trung bình của thế giới là hơn 51%. Do đó, thị trường dữ liệu lớn - Big data trong nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chỉ chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp công nghệ. Big data chính là thách thức đặt ra cho doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Một khi tận dụng được tối đa dữ liệu, thì cơ hội thành công sẽ lớn hơn nhiều lần. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng biết cách xử lý dữ liệu đó để trở nên hữu ích hơn.

Ông Nguyễn Hải Long cho rằng, những doanh nghiệp nhìn nhận dữ liệu như một tài sản chiến lược, sẽ là những doanh nghiệp tồn tại và phát triển mạnh. Với sự phát triển mạnh mẽ của internet vạn vật – IoT, cùng với sự phát triển nhanh chóng các phương thức phân tích dữ liệu, tầm quan trọng của dữ liệu đối với doanh nghiệp sẽ tăng lên nhanh chóng. Dữ liệu quan trọng ngang bằng với chiến lược maketing, khách hàng, sản phẩm và thu hút nhân tài cho doanh nghiệp.

 “Ở góc độ doanh nghiệp, dữ liệu có thể sử dụng ở 3 khía cạnh: Sử dụng dữ liệu để cải thiện việc ra quyết định, sử dụng dữ liệu để cải tiến trong quá trình hoạt động và xem dữ liệu như một loại tài sản để từ đó tạo ra nguồn doanh thu mới. Tuy nhiên, sức mạnh của dữ liệu ở cách chúng ta dùng nó như thế nào”- ông Nguyễn Hải Long nhấn mạnh.

Ông Trương Bá Toàn, Giám đốc điều hành Western Digital Việt Nam cho rằng, một trong 5 yếu tố quan trọng nhất của chuyển đổi số là quản lý và phân tích dữ liệu. Hiện Western Digital Việt Nam chiếm đến 40% hệ thống dữ liệu của thế giới, có thể giúp doanh nghiệp tận dụng và xử lý tốt nguồn data hiện có, biến nguồn dữ liệu thành giá trị tài sản gia tăng theo thời gian cho doanh nghiệp.

“Tại Vietnam Data Summit, doanh nghiệp có thể được giải đáp trực tiếp các vấn đề của doanh nghiệp mình, biến hành trình chuyển đổi số trở thành hiện thực”- ông Toàn nói.

Ông Toni Kristian Eliasz, chuyên gia giải pháp lỹ thuật số World Bank nhận định, Cơ sở hạ tầng số hóa rất quan trọng, đảm bảo thị trường đủ lớn, đủ rộng để hỗ trợ doanh nghiệp. Cột trụ mang tính kiến tạo trong hạ tầng số bao gồm: tài chính, số hóa, kỹ năng kiến thức nhân viên có thể làm được từ trung cấp đến cao cấp. Đồng thời, rủi ro là tính an toàn về số hóa, quyền riêng tư và bảo vệ môi trường số hóa. Vấn đề đặt ra là chúng ta sử dụng dữ liệu như thế nào.

Có 3 lộ trình chính để tiếp cận, theo dõi, thu thập dữ liệu có sự đóng góp của các định chế, cá nhân. Tuy nhiên, theo ông Toni Kristian Eliasz, cần có sự tham gia của các tổ chức quốc tế và Chính phủ để tạo ra những dịch vụ tốt hơn, giúp cho các nhà hoạch định chính sách có quyết định tốt hơn. Dữ liệu dùng cũng sẽ tạo ra những sáng kiến đổi mới trong sản xuất. Tuy nhiên, để tối ưu hóa dữ liệu, cần có chính sách, hạ tầng, luật định và các thể chế.

Ông Toni Kristian Eliasz nêu điển hình: Một start-up công nghệ đã dùng công nghệ mở, để tạo ra hàng ngàn doanh nghiệp phát triển bất động sản, giải quyết vấn đề khủng hoảng nhà ở tại châu Âu, có khả năng thương mại hóa để giải quyết vấn đề của người dân. Ông cho rằng dữ liệu của Chính phủ Việt Nam hiện nay manh mún và mong muốn trong tương lai sẽ hỗ trợ Chính phủ giải quyết được vấn đề này.

Về phía cơ quan nhà nước, bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho hay, TPHCM cũng đã xây dựng cổng chuyển đổi số. Theo đó, Sở có thiết lập một chuyên mục là diễn đàn công nghệ số. Nơi đây, mong muốn ghi nhận những hiến kế, ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, cá nhân, giúp thành phố đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

“Đối với cơ quan nhà nước, chúng tôi thúc đẩy vấn đề làm sao sử dụng và tạo lập hiệu quả dữ liệu từ cơ quan nhà nước và thúc đẩy việc chia sẻ dữ liệu từ cơ quan nhà nước cho các doanh nghiệp, tổ chức. Bởi vì muốn phát triển kinh tế số thì vấn đề dữ liệu từ phía cơ quan nhà nước phải được chia sẻ từ các tổ chức, các doanh nghiệp để khai thác hiệu quả. Đây là mong muốn lớn của Thành phố”- bà Võ Thị Trung Trinh cho hay.