Chọn bánh Trung thu theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng

(VOH) - Thị trường bánh trung thu luôn sôi động, đa dạng với nhiều mẫu mã, giá cả và chất lượng khác nhau.

Mua được sản phẩm chất lượng với mức giá hợp túi tiền phải chăng cũng là khó khăn với nhiều người tiêu dùng.

Để hiểu rõ hơn về thành phần các chất dinh dưỡng có trong bánh Trung thu và cách để lựa chọn bánh Trung thu đảm bảo an toàn cho sức khỏe, Thạc sĩ - Bác sĩ CK2 Nguyễn Viết Quỳnh Thư, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế Bệnh viện FV Hospital chia sẻ cùng độc giả.

Chọn bánh Trung thu theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng 1
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư.

*VOH: Thưa bác sỹ, trong bánh Trung thu có những thành phần chất dinh dưỡng nào? Những thành phần đó có tác động như thế nào đến sức khỏe người tiêu dùng?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư: Xét về thành phần dinh dưỡng, các loại bánh Trung thu có chung đặc điểm có nhiều nhóm chất đường bột, chất béo… với tỷ lệ không được cân đối. Nó có thể thiếu chất xơ, cũng như thiếu hẳn các vitamin và các chất khoáng vi lượng để hỗ trợ quá trình tiêu hóa và hấp thu. Trong mùa bánh Trung thu, bệnh nhân được chẩn đoán Đái tháo đường cần phải đặc biệt lưu ý, bánh Trung thu là một loại thực phẩm có thể gây tăng đường huyết rất cao, vì vậy, nên thận trọng khi sử dụng. Bên cạnh đó, thành phần trứng muối trong bánh Trung thu cũng có hàm lượng natri cao có thể gây tăng huyết áp và hàm lượng cholesterol cao cũng là nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu, tăng gánh nặng cho hệ tim mạch. Sử dụng nhiều bánh Trung thu cũng là nguyên nhân gây tăng cân ở những bệnh nhân thừa cân, béo phì.

*VOH: Người tiêu dùng phải chọn những loại bánh Trung thu như thế nào để vừa dinh dưỡng vừa an toàn cho sức khỏe?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư: Bánh Trung thu là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong dịp này. Để lựa chọn bánh Trung thu dinh dưỡng và đảm bảo an toàn cho sức khỏe, nên đặc biệt lưu ý 4 tiêu chí sau: Về dinh dưỡng: cần cân đối khẩu phần ăn của các thành viên trong gia đình, từ đó lựa chọn kích cỡ bánh cho phù hợp, thành phần bánh đơn giản. Ví dụ: bánh càng nhiều lòng đỏ trứng muối càng cung cấp nhiều năng lượng, cholesterol... Về xuất xứ: không lựa chọn các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Về chất lượng: lựa chọn sản phẩm có bao bì không rách nát, móp méo, biến dạng; Bánh không có màu sắc và mùi vị khác lạ, không phát hiện nấm mốc hay các dấu hiệu bất thường khác. Cuối cùng, về nhãn mác: Bánh phải có nhãn mác đầy đủ các thông tin tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

Vì vậy để đảm bảo an toàn sức khỏe cho bản thân và gia đình, cách lựa chọn tốt nhất bạn nên chọn những thương hiệu bánh có uy tín, rõ nguồn gốc, nên mua các sản phẩm có ngày sản xuất mới gần nhất, bao bì nguyên vẹn, màu sắc tự nhiên và thông tin nhãn mác rõ ràng.

Chọn bánh Trung thu theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng 2
Chọn bánh trung thu chất lượng để đảm bảo an toàn cho bản thân - Ảnh minh hoạ: Cẩm Tuyết

*VOH: Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh Trung thu rẻ tiền, nhiều màu sắc… Theo bác sĩ, những loại bánh Trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc gây hại như thế nào đến sức khỏe của người tiêu dùng?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư: Hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại bánh Trung thu rẻ tiền, màu sắc sặc sỡ. Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến đã sử dụng các nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, sử dụng vượt mức các phẩm màu tổng hợp hoặc sử dụng các chất phụ gia bảo quản nằm trong danh mục cấm trong thực phẩm. Việc sử dụng những loại thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm ở người sử dụng.

Nếu triệu chứng nhẹ, người bệnh có thể đau bụng, nôn ói, tiêu chảy; một số bệnh nhân có thể có triệu chứng nặng hơn do nhiễm hóa chất, kim loại nặng, độc tố của vi khuẩn có trong thực phẩm có thể xuất hiện triệu chứng khó thở, vã mồ hôi, tụt huyết áp, co giật, lơ mơ,… nếu không kịp thời được điều trị sẽ có nguy cơ tử vong. Sử dụng bánh Trung thu kém chất lượng, với các chất phụ gia, chống mốc và phẩm màu trong danh mục cấm với số lượng nhiều và trong một thời gian dài cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư.

*VOH: Thưa bác sĩ, khi sản xuất bánh Trung thu, nhà sản xuất phải tuân thủ những tiêu chí nào để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư: Để sản xuất bánh Trung thu được an toàn, nhà sản xuất cần đảm bảo quy trình nghiêm ngặt từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến khâu đóng gói và bảo quản sử dụng.

Năm 2020, bộ Khoa học công nghệ đã ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về bánh Trung thu với TCVN 12940:2020 Bánh nướng và TCVN 12941:2020 Bánh dẻo. Các tiêu chí được đánh giá bao gồm các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật. Đồng thời các nguyên liệu chế biến bánh cũng phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng theo Luật an toàn thực phẩm. Các tiêu chuẩn này sẽ giúp cho các cơ sở sản xuất có căn cứ để công bố sản phẩm và theo dõi chất lượng của sản phẩm đầu ra.

*VOH: Bác sĩ có những lời khuyên nào cho việc bảo quản bánh Trung thu để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Quỳnh Thư: Bánh Trung thu thường có thời gian bảo quản tương đối ngắn trong khoảng 2 tuần với điều kiện bao gói thông thường có chất hút ẩm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe trong dịp Trung thu, nên lưu ý thời gian sử dụng để mua bánh phù hợp. Bánh sau khi mua về nên được bảo quản ở nơi sạch sẽ, tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập và bảo quản theo đúng quy định trên bao bì sản phẩm của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, trước khi sử dụng chúng ta cần đánh giá lại một lần nữa những dấu hiệu bất thường của bao bì và sản phẩm. Nếu bao bì bị hở, không kín hoặc có dấu hiệu nấm mốc thì không nên dùng nữa. Bánh khi cắt ăn, phần dư còn lại có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và nên sử dụng trong ngày.

*VOH: Xin cảm ơn bác sỹ.