TPHCM: Đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho học sinh khi trở lại trường

(VOH) - Chiều ngày 24/1, Ban Văn hoá - Xã hội - HĐND TPHCM đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM về công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường.

Tại buổi làm việc nhiều vấn đề được đặt ra để công tác đón học trở lại trường được an toàn, thuận lợi.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng cho rằng trong thời gian dài học sinh học trực tuyến đã bộc lộ những hạn chế, cũng như để thích ứng an toàn linh hoạt với dịch bệnh, từ 20/10, Thành phố đã thí điểm đón học sinh trở lại trường tại xã đảo Thạnh An. Từ 13/12 Thành phố tổ chức dạy học trực tiếp học sinh lớp 9, 12, và từ 4/1 tổ chức đón học sinh từ lớp 7 đến 12 trở lại trường. Nguyên tắc thực hiện dạy học trực tiếp theo cấp độ dịch của địa phương. Ban chỉ đạo các quận huyện duyệt phương án đón học sinh của từng trường. Ngành giáo dục cũng cũng đã triển khai hội nghị cấp mầm non và tiểu học, quán triệt hướng dẫn các cơ sở chuẩn bị đội ngũ, phương án phòng chống dịch để đón học sinh. Đồng thời chỉ đạo các trường nỗ lực thực hiện các dịch vụ phục vụ học sinh như căn tin, bán trú. Tuy nhiên nhiều cơ sở giao dục còn lo ngại, băn khoăn, nên số lượng trường tổ chức không nhiều. Bình thường hoá các hoạt động thì phải tính toán tổ chức các hoạt động này.

Đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho học sinh khi trở lại trường 1

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, HĐND TPHCM tại buổi khảo sát 

Đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng phụ huynh khi cho con em trở lại trường quan tâm 2 vấn đề: nguy cơ lây nhiễm  và việc xử lý khi đã bị nhiễm Covid-19 như thế nào. Thời gian qua, Thành phố không xuất hiện tình trạng lây nhiễm cheo trong nhà trường là tín hiệu vui. Đại biểu này cho rằng quay lại trường học tập trực tiếp sẽ giúp học sinh có kết quả học tập tốt hơn, nhưng trường hợp học sinh F0 cần có phương án cụ thể, thống nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo để đảm bảo quyền lợi cho học sinh. Nhất là với các bài kiểm tra định kỳ, hay kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. "Đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT lớp 12 và tuyển sinh lớp 10 của học sinh lớp 9, nếu học sinh nhiễm Covid-19 vào thời điểm đó mà các em không có triệu chứng, đảm bảo về mặt sức khoẻ, chúng ta có tổ chức phòng thi riêng hay không, với giám thị thi mặc đồ bảo hộ, bài thi được thanh trùng sau khi các em làm bài xong. Như vậy, mới sống chung với dịch, chứ không phải quá sợ hãi F0", bà Tuyết phát biểu.

Theo ông Lê Duy Tân, Trường Phòng Giáo dục Trung học, không chỉ riêng Việt Nam, thế giới cũng phải đối mặt tình hình chất lượng giáo dục chịu ảnh hưởng trong đại dịch. Tuy nhiên, nếu học sinh được hướng dẫn tốt, có ý thức tự học, đây là cơ hội để các em phát huy. Những em không theo kịp nhà trường tạo điều kiện ôn tập, hệ thống kiến thức khi học trực tiếp. Ngành không đòi hỏi học sinh đảm bảo 100% kiến thức nhưng xu hướng kết hợp  ưu điểm của việc dạy học qua internet sẽ tiếp tục được ứng dụng.

Trưởng phòng Giáo dục Trung học khẳng định theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu các em không dự kiểm tra đợt này sẽ được tham gia đợt liền kề. Với các bài kiểm tra định kỳ, cuối kỳ, các trường hợp học sinh F0 được xem như các bệnh khác, xử lý trên tinh thần nâng đỡ, hỗ trợ cho các em. Ngành giáo dục luôn có phương án với các trường hợp này.

Riêng với vấn đề an toàn của lứa tuổi học sinh chưa được tiêm vắc xin khi trở lại trường, ông Lê Duy Tân cho rằng ngoài tiêu chí  5K và vắc xin, một cộng đồng an toàn, cũng là yếu tố quan trọng đảm bảo sự an toàn cho học sinh: "Chúng ta tăng cường các giải pháp, tăng cường 5K, giảm thiểu nguồn lây trong cộng đồng, đặc biệt ra đường cha mẹ học sinh luôn tuân thủ 5K, thì gười dân thành phố đã tạo được môi trường xanh. Đây là thành tựu lớn nhất, là cơ sở khoa học nhất để tiếp tục đưa học sinh dù chưa tiêm vắc xin vẫn có khả năng đến trường an toàn."

Đảm bảo quyền lợi, sự an toàn cho học sinh khi trở lại trường 2

Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tại buổi khảo sát 

Hiện TPHCM là địa phương có tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp cao nhất với nhóm đối tượng rộng nhất (từ khối 7-12). Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ ghi nhận vấn đề đảm bảo quyền lợi cho học sinh F0 trong các kỳ thi. Dịch bệnh một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của lực lượng  nhân viên y tế học đường và nhân viên tư vấn tâm lý. Lực lượng này cần được biên chế, cơ hữu, nhất là trong bối cảnh các tật bệnh không lây nhiễm có khuynh hướng gia tăng. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Không phải chỉ trong tình hình dịch bệnh, chúng tôi xác định đối với hoạt động phát triển thể chất của học sinh, đây là đối tượng nhân viên rất cần thiết, song song với đối tượng nhân viên tư vấn tâm lý. Qua dịch bệnh cho thấy nhân viên tư vấn tâm lý cũng cực kỳ quan trọng. Thành phố cần đề xuất kiến nghị để có chính sách cho các đối tượng này."

Ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội cho rằng sự phối hợp giữa ngành y tế và ngành giáo dục trong việc đón học sinh trở lại trường trong thời gian qua rất đáng biểu dương. HĐND sẽ ghi nhận, đề xuất để hỗ trợ kịp thời cho ngành ngay sau tết. Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội cũng đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần hướng dẫn một cách chi tiết công tác tổ chức bán trú, căn tin. Đây không phải là giải pháp chính trong phòng chống dịch, nhưng nếu không tổ chức sẽ gây nhiều khó khăn cho phụ huynh.