Giả cộng giả bằng thật?!

(VOH) - Mới hớp ngụm cà phê chưa hết ly, Ba Thợ hồ hối thúc mấy bạn già uống lẹ lẹ, nhờ phụ ổng rinh cái tivi Asanzo đem đi siêu thị điện máy đổi cái hiệu khác…

Hai Sài Gòn tằng hắng: “Thiệt là tui không hiểu sao? sau vụ Khaisilk, giờ đến Asanzo, hổng biết còn có bao nhiêu loại hàng tào lao bí đao núp bóng nhãn “Việt Nam chất lượng cao” nữa, báo chí làm ơn lôi ra hết đi cho thiên hạ nhờ. Sẵn dịp đây tui nghĩ nên dẹp tiệm cái hội cấp nhãn luôn cho rồi, để chấm dứt vụ hàng ngoại dỏm mà giả hàng nội thiệt, lừa đảo bà con ta lâu nay.”

Ba Thợ hồ lên tiếng: “Tui thấy chẳng những Asanzo làm hàng giả, mà thậm chí, cái tổ chức cấp cái chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao cũng giả luôn vì Hội này sẵn sàng đóng cái mộc chứng nhận cho một sản phẩm mà hổng biết ất giáp gì hết?”

Việt Nam chất lượng cao

Tư hưu trí vỗ vai Ba Thợ hồ: Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa rồi có khẳng định họ không mua bán danh hiệu, logo hàng Việt Nam chất lượng cao cũng như không cho phép cá nhân, tổ chức nào làm việc này ông ơi… Nhưng mà thời gian qua, nghe nói cũng đã có nguồn tin cung cấp về việc có thể bỏ ra hàng trăm triệu đồng để sở hữu danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao rồi đó! Mức giá được rao rằng, để có thể có được danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao là 120 triệu đồng/đơn vị. Vài năm trước, từng có mức giá 300 triệu đồng/đơn vị. Thấy ghê chưa?!!”.

Ba Thợ hồ ấm ức nói tiếp: “Những người dân như tui có tấm lòng yêu nước, nghe nói hàng Việt tui ủng hộ hết mình, ai dè, chính tụi tui lại là đối tượng bị lợi dụng cái sự yêu nước này, hỏi thử mấy quý vị ở hội cấp nhãn hàng Việt Nam chất lượng cao hay cơ quan quản lý thị trường… coi, có bao giờ gia đình họ xài trúng mấy cái hàng dỏm đội lốt hàng Việt Nam chất lượng cao chưa?” 

Hai Sài Gòn lắc đầu: “Cái đó thì tui hổng biết, tui hay thấy báo chí suốt ngày đưa tin ngôi sao này sao kia của giới show biz toàn xài hàng hiệu nước ngoài đắt tiền không thôi! Còn bà con nghèo ai mà biết xài hàng gì!” Bởi cái kiểu làm ăn lừa dối của người Việt mình như vậy, người ta mới chế câu ngạo: “Mặc lụa Khải silk, coi tivi Asanzo, đổ xăng Trịnh Sướng”… Thiệt đúng là hàng giả đi kèm với chứng nhận giả biến thành hàng thật!?”

“Mấy ông bình tĩnh nghe tui nói!” Tư hưu trí cho rằng trường hợp ghi nhãn “Made in Vietnam” trong khi hàm lượng sản xuất ở Việt Nam rất ít thì phải lên án. Nhưng cái sai này một phần có thể đổ lỗi cho việc chưa có quy định rõ ràng thế nào là "Made in Vietnam".

Thực tế là “theo mục tiêu quản lý nhà nước đặc thù của các Bộ ngành, các văn bản thường tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam. Quy định hiện hành chưa có bộ tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam”.

Hai Sài Gòn nhíu mày hỏi tới: “Vậy từ nghi án Asanzo nhập hàng nước khác gắn nhãn Việt Nam, theo ông thì cần nhìn nhận “Made in Vietnam” sao đây?”

Tư hưu trí phân tích: “Do chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ sản xuất, chế biến ở Việt Nam như thế nào, chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá trị sản phẩm nên doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước sẽ rất lúng túng khi không biết phân định một sản phẩm có phải là "hàng Việt Nam" hay "Sản xuất tại Việt Nam".

Còn những doanh nghiệp gian dối thì có thể lợi dụng sự chưa rõ ràng đó để tự khoác lên mình chiếc áo hàng Việt để làm các chiêu trò marketing. Mà nói chung, “ông” tivi Asanzo này bây giờ đã được cơ quan chức năng chính thức vào cuộc để “gỡ rối” cái mối nhập nhằng “Made in Vietnam” hay chỉ gắn mác “Made in Vietnam” rồi, ông yên tâm!”. 

Hai Sài Gòn vỗ vào đùi cái chát ngay tắp lự: “Tui cũng có nghe thông tin này! Gì chứ vậy thì tui chịu! Cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ Asanzo, sau này có cơ sở để bổ sung thêm quy định, siết chặt mấy ông doanh nghiệp muốn tính đường làm ăn gian dối!”

Sẵn đà, Tư hưu trí “kết” luôn: Câu hỏi đặt ra ở đây là hàng Việt Nam chất lượng cao bấy lâu nay phải chăng cũng chỉ dán mỗi cái mác “Made in Vietnam” để đánh lừa niềm tin của người tiêu dùng trong nước? Mà thôi, mấy cái vụ này thuộc về trách nhiệm chính sách của Nhà nước và cụ thể nhất là hành lang pháp lý, hạ hồi phân giải để nhà nước lo.

Nói đến đây cả nhóm gật gù rồi nhìn khuôn mặt bắt nắng đen xì của Ba Thợ hồ thì chợt nhớ ra công chuyện mà Ba Thợ hồ đã nhờ lúc đầu, liền hớp vội miếng cà phê còn lại để phụ đi đổi cái ti vi Asanzo nhập nhèm xuất xứ.

Nhiều siêu thị điện máy dừng bán sản phẩm Asanzo - TV, máy lạnh của Asanzo trên các kệ hàng đã không còn thấy nữa.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu làm rõ vụ việc của Công ty Asanzo - Bộ trưởng Công Thương yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát công tác quản lý nhà nước, từ đó có những biện pháp cụ thể đảm bảo quyền và lợi ích của người tiêu dùng.