Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022)

(VOH) - Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng yêu nước sắt son đã trở thành người thuyền trưởng tài ba dẫn lối con thuyền cách mạng nước nhà cập bến bờ độc lập, tự do.

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước, chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng yêu nước sắt son đã trở thành người thuyền trưởng tài ba dẫn lối con thuyền cách mạng nước nhà cập bến bờ độc lập, tự do.

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19/5/1890 trong một gia đình nhà nho yêu nước, ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra và lớn lên trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX khi bao cuộc khởi nghĩa đấu tranh anh dũng, bất khuất giành độc lập và thống nhất Tổ quốc đều lần lượt thất bại và đứng trước một cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Và người thanh niên ấy quyết tâm tìm lối đi mới cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Người đã tiếp cận với nhiều học thuyết, trải nghiệm thực tiễn ở nhiều nước mà Người bôn ba và cùng với Đảng ta đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn để lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau đó tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ đi lên Chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời, Bác Hồ sống rất giản dị và khiêm tốn, luôn đặt lợi ích người dân, lợi ích nước nhà lên hàng đầu. Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc Việt Nam và cho nhân loại tiến bộ trên thế giới, năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ra Nghị quyết 24C/18.65 nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/1990) tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.

ky-niem-132-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-19-5-1890-19-5-2022-voh.com.vn-anh1
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện. (Ảnh tư liệu)

Noi gương Bác, nhiều điển hình tiêu biểu trong cuộc sống trên nhiều lĩnh vực đã và đang ngày đêm cống hiến và lan tỏa điều tử tế. Như cô Mã Thị Đan Phượng, sinh năm 1961, ngụ tại phường 9, quận 4 TPHCM – nhiều năm hỗ trợ những người lỡ lầm đường lạc lối. Những người từng được cô giúp đỡ như anh Ch. từng sử dụng ma túy, nay đã là người gia công giày thuần thục, gia đình êm ấm, anh T. (34 tuổi) từng thụ án tội buôn bán ma túy nay đã ổn định với công việc phụ quán cà phê, anh Đ. (42 tuổi) từng phạm tội giết người, được cô bảo lãnh vay vốn mua xe máy chạy xe ôm, con anh cũng được cô vận động mạnh thường quân hỗ trợ học bổng. Với những nỗ lực thầm lặng và bền bỉ đó, cô Mã Thị Đan Phượng được UBND TPHCM khen tặng là cá nhân điển hình dân vận khéo năm 2018.

ky-niem-132-nam-ngay-sinh-chu-tich-ho-chi-minh-19-5-1890-19-5-2022-voh.com.vn-anh2
Cô Kim Phấn tại lớp học chữ bệnh viện Ung bướu. (Ảnh: facebook lớp học chữ Bệnh viện Ung bướu TPHCM).

Hay như “cô tiên” Đinh Thị Kim Phấn – người 13 năm gắn bó với lớp học chữ đặc biệt trong bệnh viện Ung bướu TPHCM. Tại nơi này, rất nhiều bệnh nhi ung thư phải tạm xa gia đình, lớp học, sống chung với dịch truyền trên tay, những đợt xạ trị, chịu đựng những cơn đau. Chính lúc ấy, lớp học được mở ra như nơi tiếp thêm năng lượng tích cực cho các bé và gia đình. Kể cả trong mùa dịch COVID-19, lớp học vẫn được duy trì, có khi bằng hình thức trực tuyến. Ở đây các bé được cô Phấn và những cô giáo đã nghỉ hưu khác, các tình nguyên viên là sinh viên dạy học, tổ chức đội văn nghệ. Cô Đinh Thị Kim Phấn cho biết ban đầu lớp học chỉ dạy viết và làm toán theo chương trình tiểu học. Sau, nhiều trẻ lớn lên, trẻ bị ung thư các lớp lớn cũng nhiều lên, nên lớp học mở thêm đến cấp hai. Cô chia sẻ: “Đến đây, các bé múa hát, vui cười, được tặng bánh tặng quà, tạm quên đi đau đớn. Điều các bé học được nhiều ở lớp học này chính là niềm tin vào hành trình chiến đấu với căn bệnh ung thư”.

Cô còn là người kết nối các bé với gia đình ở những vùng quê xa gần. Suốt những năm qua, trong mỗi buổi học cô đều chụp ảnh học trò nhỏ. Buổi tối về nhà cô chọn ảnh rồi đăng lên faceboọk lớp học để gia đình có thể lên xem hình con mình múa hát, học bài. Cô cho biết “vì điều kiện kinh tế, nhiều bé khi vào đây điều trị chỉ đi cùng cha hoặc mẹ rồi ở đây lâu dài, không được sum vầy với gia đình. Nên những kỷ niệm này quý lắm”. Cô cũng sắp xếp trong máy tính của mình các folder hình ảnh của từng học trò nhỏ, ghi chép những ước mơ, những kỷ niệm với các em. Ngày bệnh nhi nào đó “vĩnh biệt” cõi trần, cô sắp xếp những kỷ vật đó gửi cho gia đình bé. Thấu cảm những khó khăn của gia đình các bé, cô còn kết nối các mạnh thường quân thăm hỏi, tặng quà cho các bé đang điều trị. Cô Đinh Thị Kim Phấn từng được Thành ủy TPHCM biểu dương là cá nhân thực hiện tốt Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 2017 - 2018.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm thường xuyên, liên tục đối với mỗi tập thể, cá nhân. Điều này chỉ thật sự có giá trị khi được hiện thực hóa trong cuộc sống, trong từng công việc hàng ngày. Khi đó, nhớ về Bác sẽ giúp chúng ta sống và làm những điều tử tế.