Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ

(VOH) - Chiều 23/12, người hâm hộ không khỏi bàng hoàng khi hay tin nghệ sĩ Thanh Kim Huệ đã qua đời.

Thông qua trang cá nhân của ca sĩ Lâm Quốc Khải người hâm mộ đã nhìn thấy một dòng chia sẻ đầy nghẹn ngào: "Chia tay người chị thân thương. Yên nghỉ nha chị, cảm ơn đời đã cho em biết chị, được làm việc chung với chị dù chỉ một thời gian ngắn ngủi. Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ". Thông tin không chỉ mang đến sự hoang mang mà còn là niềm tiếc nuối vô cùng lớn đối với những người hâm mộ cải lương. 

Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ 1
Thông tin này khiến rất nhiều khán giả tiếc nuối và hụt hẫng.

Thanh Kim Huệ là nữ nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Việt Nam.

Nữ nghệ sĩ được xem là một trong những cô đào nổi tiếng bậc nhất trên sân khấu cải lương phía Nam và đã có thời gian hoạt động nghệ thuật hơn 40 năm. Nữ nghệ sĩ tài danh được biết đến là một giọng ca ngọt ngào, đã được khán giả say đắm qua nhiều băng đĩa, tuồng tích như: Yêu lầm, Sao chưa thấy anh về, Chợ mới, Chị Sáu Giồng Trôm, Hoa mua trắng, Lan và Điệp, Ngao Sò Ốc Hến...

Trong thế hệ nghệ sĩ cải lương trưởng thành trong giai đoạn giao thời, NSƯT Thanh Kim Huệ được xem là một trong những giọng ca nữ nổi bật với chất giọng cao vút, ngọt lịm không lẫn với bất cứ ai.

Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ 2
Thanh Kim Huệ từng là ngôi sao sáng giá nhất trong giới cải lương đương thời

Thanh Kim Huệ tên thật là Bùi Thị Huệ, sinh năm 1955 tại Sài Gòn trong một gia đình có hai chị em gái. Mặc dù gia đình không ai theo nghiệp hát nhưng do ba mẹ chuyên cho các gánh hát thuê âm thanh nên cứ mỗi đêm bà đều theo ba vô rạp.

Từ những năm 7, 8 tuổi cô đã lên sân khấu Hằng Xuân - An Khương với các vai đào con, tì nữ, múa hát... Thấy Huệ lanh lẹ nên kép chánh Hoàng Siêu đã truyền thụ cho cô không ít kinh nghiệm, đây cũng là người thầy đầu tiên dạy cho Thanh Kim Huệ những bài học đầu về cải lương. Nhờ đó, 8, 9 tuổi bé Huệ đã leo lên sân khấu đoàn Hằng Xuân - An Khương đóng đào con.

Nhờ đến rạp hát riết mà tự nhiên thấm, tự nhiên ghiền rồi Thanh Kim Huệ cứ thế mê mẩn ngắm ông chúa, bà hoàng trên sân khấu, rồi lẩm nhẩm hát theo hồi nào không hay. Từ đoàn hát ban đầu, bà đi qua các đoàn Dạ Minh Châu, Hoa Phượng, Kim Chung, Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang, Sài Gòn 1, 2, 3…

Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ 2
 

Ban đầu Thanh Kim Huệ lấy nghệ danh là Ngọc Huệ, sau đó thấy không ăn thua bà nghĩ ra nghệ danh Thanh Kim Huệ, không lý giải rõ ý nghĩa cái tên chỉ đơn giản vì cô gái trẻ thích vậy. Một cái tên sáng sủa và mong đợi thời hoàng kim cho chất giọng đẹp.

Sự nghiệp của Thanh Kim Huệ bắt đầu khởi sắc hơn khi về đoàn Kim Chung được nâng lên đào nhì, đào ba, lúc đó cô mới 13, 14 tuổi. Trong đoàn, có rất nhiều tài danh như: Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền, Minh Phụng, Minh Vương, Thanh Tuấn, Chí Tâm…

Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ 4
Khác với các nghệ sĩ thường được các bậc tiền bối gợi ý đặt nghệ danh, Huệ tự tìm cái tên trên sân khấu cho mình.

Năm 1973, bà được hãng đĩa Việt Nam ký độc quyền với số tiền 200.000 đồng (khoảng 200 triệu đồng ngày nay), bài tân cổ đầu tiên là Yêu Lầm, ghi âm chung với NSND Minh Vương. Đĩa phát hành được khán giả ủng hộ rần rần, vậy là cô bé Huệ bắt đầu những ngày tháng quần quật trong phòng thu. Sáng vô thu từ 9h tới 5h chiều, buông ra là chạy lẹ về rạp để chuẩn bị cho suất hát tối.

Cuối năm 1974, soạn giả Loan Thảo cho thu tuồng Lan và Điệp. Ban đầu vai Lan tính giao cho NSND Lệ Thủy nhưng rồi không biết sao ông kêu Thanh Kim Huệ tới thử, ông nói: "Con cỡ tuổi nhân vật Lan chắc hợp hơn!". 

Trong tuồng, Chí Tâm hát vai Điệp, còn Thanh Kim Huệ vô vai Lan, dàn bao là các nghệ sĩ Hữu Phước, Tú Trinh, Hùng Minh, Mai Lan… Tuồng Lan và Điệp phát hành, không ngờ khán giả khắp nơi mê mệt.

Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ 4
Thanh Kim Huệ có một giọng hát thật sự ấn tượng. Vai diễn Lan trong vở Lan và Điệp chính là đấu ấn khó phai nhất trong sự nghiệp của bà.

Khoảng năm 1978, 1979, Thanh Kim Huệ và Trọng Hữu thu bài Chợ mới của soạn giả Trọng Nguyễn. Bài ca cổ đó sau này trở thành bài "tủ" của nhiều người dân Nam Bộ trong các cuộc liên hoan, bên ly trà, trên bàn nhậu…

Cuối năm 1974, gia đình Thanh Điền lập gánh hát Xuân Liên Hoa, Thanh Kim Huệ về đoàn làm đào chánh, tại đoàn cô còn phát triển thêm khả năng viết tuồng. Cứ đi coi phim Hong Kong nào thấy hay, bà lại về phóng tác với khá nhiều kịch bản cải lương như: Quỷ kiến sầu, Nắng đẹp muôn màu, Tiếng hát rừng hoang…

Xem thệm: Top những bản vọng cổ hay nhất của Thanh Kim Huệ

Bên cạnh Thanh Kim Huệ chính là người đàn ông luôn sát cánh bên bà, nam nghệ sĩ Thanh Điền. Hai người không chỉ là những người ăn ý trong cuộc sống mà trên sân khấu cũng là một đôi bạn diễn rất nổi tiếng.

Vĩnh biệt nghệ sĩ tài danh Thanh Kim Huệ 5
 

Mới đây, hội đồng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần 10 - 2021 tại TP.HCM đã đề xuất lên hội đồng cấp nhà nước danh hiệu NSND vợ chồng nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ.