GIải thích ý nghĩa câu tục ngữ ‘tích tiểu thành đại’ nói đến điều gì?

(VOH) – Từ trước tới nay, tiết kiệm luôn là 1 đức tính vô cùng đáng quý, đức tính này đã được cha ông ta răn dạy con cháu đời sau bằng những câu ca dao, tục ngữ, trong đó có câu “tích tiểu thành đại”.

Nếu như những câu ca dao là tiếng hát thiên về tình cảm, thì các câu tục ngữ được xem là trí tuệ của những người xưa gửi gắm vào đó những lời khuyên răn, nhắn gửi. Trong đó, câu tục ngữ “tích tiểu thành đại” là một trong những câu nói quen thuộc được cha ông ta răn dạy lớp trẻ qua nhiều thế hệ.

1. Tích tiểu thành đại là gì?

“Tích tiểu thành đại” là một câu tục ngữ ngắn gọn, nhưng lại truyền tải một thông điệp vô cùng ý nghĩa. Để hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ chúng ta cần phân tích từng từ có trong câu.

Ý nghĩa tục ngữ ‘tích tiểu thành đại’ là gì? 1
“Tích tiểu thành đại” là gom góp, tích trữ những thứ nhỏ nhặt để làm nên một thứ gì đó to lớn hơn

Theo từ điển Hán Việt, tục ngữ “tích tiểu thành đại” có thể được giải nghĩa như sau:

  • Tích: thu góp, gom, nhặt, gộp, tích cóp dành dụm một thứ gì đó trong thời gian nhất định.
  • Tiểu: nhỏ, bé.
  • Thành: hoàn thành, hình thành.
  • Đại: to lớn, việc lớn, lớn.

Như vậy, đại ý của câu thành ngữ “tích tiểu thành đại” có nghĩa là gom góp, tích trữ những thứ nhỏ nhặt để làm nên một thứ gì đó to lớn hơn. Khi lớn, nó có thể tạo ra những sự thay đổi.

Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn chúng ta sẽ thấy câu tục ngữ sử dụng hình ảnh ẩn dụ vô cùng đặc biệt, “tích tiểu” là hình ảnh của sự tích cóp, lượm nhặt những thứ nhỏ bé. Trong câu tục ngữ, nó ẩn dụ cho lượm nhặt, tích lũy tiền bạc, của cải hay những tri thức, kiến thức, kỹ năng, lối sống, cách hành xử… của con người.

Còn “thành đại” chỉ kết quả có được sau quá trình tích lũy không ngừng nghỉ, và nó cũng là ẩn dụ của việc con người có được sự đong đầy về vật chất hay những kinh nghiệm sống, trải nghiệm, kiến thức… trong cuộc sống.

Qua đó, câu tục ngữ “tích tiểu thành đại” đã truyền tải một thông điệp vô cùng sâu sắc về sự tích lũy những thứ nhỏ bé, để có được những điều lớn lao trong cuộc sống. Tựa như câu “góp gió thành bão”, - nhiều cơn gió gộp lại có thể tạo thành cơn bão to, tục ngữ “tích tiểu thành đại” cũng nhấn mạnh ý nghĩa chỉ cần chúng ta chịu khó gom góp, nhặt nhạnh sẽ có ngày chúng ta thu được kết quả mỹ mãn.

Xem thêm: Ý nghĩa của lối sống giản dị và tiết kiệm trong đời sống hiện nay

2. Tích tiểu thành đại nói lên đức tính gì?

“Tích tiểu thành đại” một câu nói điển hình mà cha ông ta thường xuyên sử dụng để răn dạy con cháu về một lối sống cũng là đức tính mà con người cần có, đó là tiết kiệm.

Tiết kiệm là một đức tính mà bất cứ ai cũng cần phải có. Người xưa có câu, người giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm trong chi tiêu. Điều đó đã cho ta thấy được tầm quan trọng của việc tiết kiệm. Tiết kiệm không phải là keo kiệt, hay tằn tiện quá mức, mà đó là biết sử dụng một cách hợp lý của cải, thời gian, công sức lao động hiệu quả.

Người biết biết kiệm sẽ biết cân đối, chi tiêu đúng việc, đúng người, không phí phạm. Trong cuộc sống, tiết kiệm cũng thể hiện sự quý trọng thành quả lao động của chính bản thân cũng như người khác, tiết kiệm sẽ giúp chúng ta làm giàu được cho bản thân, sau đó là gia đình và cuối cùng là đất nước.

Ý nghĩa tục ngữ ‘tích tiểu thành đại’ là gì? 2
Người sống tiết kiệm không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn góp phần phát triển đất nước

Như câu tục ngữ “tích tiểu thành đại” mà người xưa đã nhắc nhở, mỗi người trong xã hội hiện đại nên tập cho mình một lối sống giản dị, tiết kiệm, tránh tiêu xài phung phí, xa hoa hay đua đòi vật chất.

Trong học tập hay lao động chúng ta cũng nên học cách sống tiết kiệm từ những thứ nhỏ nhặt xung quanh. Chỉ cần mỗi người góp một hành động nhỏ như sử dụng điện, nước tiết kiệm, không xả rác, chấp hành tốt Luật giao thông… sẽ góp phần không nhỏ trong xây dựng một lối sống văn minh, giàu đẹp.

Thế nhưng, xã hội hiện nay vẫn có không ít những kẻ sử dụng phung phí, thậm chí là “tận thu tận diệt” sản vật tự nhiên, ý thức bảo vệ, giữ gìn tài sản của bản thân và nhân loại gần như bằng 0. Điều này thật đáng phê phán và cần lên án mạnh mẽ.

Như nhà khoa học Benjamin Franklin từng nói: “Hãy cẩn thận với những chi phí nhỏ. Một lỗ rò bé có thể làm đắm cả con tàu.”. Một người không biết tiết kiệm thì không chỉ gây tổn thất của cải, vật chất của xã hội mà ngay chính bản thân người đó cũng sẽ không thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ, khó khăn.

Xem thêm: Góp gió thành bão là gì? Bài học  về cách sống đáng suy nghĩ

3. Ca dao, tục ngữ, thành ngữ có nghĩa tương đồng “tích tiểu thành đại”

Khi đã biết rõ ý nghĩa câu tục ngữ “tích tiểu thành đại” mỗi người chúng ta nên rèn cho mình một lối sống tiết kiệm, bởi tiết kiệm không chỉ giúp làm giàu cho bản thân mà còn mang lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

Bên cạnh những việc làm cụ thể, đừng quên đốc thúc bản thân học cách sống tiết kiệm bằng những câu ca dao, tục ngữ có nghĩa tương đồng với “tích tiểu thành đại” dưới đây:

  1. Ăn phải dành, có phải kiệm
  2. Góp gió thành bão
  3. Kiến tha lâu cũng đầy tổ
  4. Ăn chắc mặc bền
  5. Năng nhặt chặt bị
  6. Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện
  7. Khi lành để dành khi đau
  8. Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí
Ý nghĩa tục ngữ ‘tích tiểu thành đại’ là gì? 3
  1. Tiết kiệm sẵn có đồng tiền
  2. Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai.
  3. Được mùa chớ phụ ngô khoai
    Đến khi thất bát lấy ai bạn cùng.
  4. Làm người phải biết tiện tằn
    Đồ ăn thức mặc có ngần thì thôi.

Sống ở đời, ai cũng mong muốn bản thân có được cuộc sống đủ đầy cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, nếu điều này chỉ dừng lại trong suy nghĩ thì giấc mơ ấy sẽ chẳng bao giờ thành sự thật. Hãy học cách “tích tiểu thành đại” như lời người xưa nhắc nhở, nó là một phương pháp tiết kiệm đúng đắn có thể giúp bạn có được một cuộc sống mà mình mong muốn.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet