Hạ thân nhiệt cứu sống bệnh nhân hôn mê sâu vì điện giật

VOH - Đi câu cá dưới đường dây cao thế, một người đàn ông bị điện giật nguy kịch.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ vừa thông tin về bệnh nhân H. - trong lúc đi câu cá dưới đường dây cao thế, đã bị điện giật, ngã xuống ngừng tim. May mắn, anh H. có bạn câu biết cấp cứu, xử trí tại chỗ và vận chuyển đến bệnh viện tuyến huyện tiếp tục cấp cứu ngừng tim, sốc điện.

Sau cấp cứu 10 phút, tim bệnh nhân H. đã đập trở lại, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức, duy trì 2 loại thuốc vận mạch liều cao và được liên hệ chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đề điều trị chuyên sâu.

điện giật
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu sau cấp cứu ngừng tuần hoàn, phù phổi, huyết động chưa ổn định, bỏng sâu độ III, IV, V, diện tích dưới 20% tại vùng bụng, bàn tay, bàn chân 2 bên. Bệnh nhân được áp dụng những phương pháp hồi sức chuyên sâu: hạ thân nhiệt chỉ huy, lọc máu…

Tại Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, người bệnh được áp dụng các biện pháp hồi sức chuyên sâu nhất trong lĩnh vực hồi sức: hạ thân nhiệt chỉ huy, thở máy, lọc máu, thăm dò huyết động PiCCO…

Sau 72 giờ điều trị tích cực, người bệnh đã được dừng hạ thân nhiệt, bỏ máy thở, cắt thuốc trợ tim, vận mạch và ý thức tỉnh hoàn toàn.

Tuy nhiên, với tình trạng bỏng sâu đa vị trí, người bệnh được chuyển đến Viện Bỏng Quốc Gia để tiếp tục điều trị theo chuyên khoa.

Qua trường hợp này, Tiến sĩ Bác sĩ Hà Thị Bích Vân – Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ khuyến cáo, người dân nên lưu ý tránh xa khu vực đường điện cao thế.

Người bệnh bị điện giật thường dẫn đến rối loạn nhịp nặng nề, thậm chí ngừng tim nhanh chóng, việc cấp cứu ban đầu tại chỗ, tại tuyến y tế cơ sở rất quan trọng, sau đó cần nhanh chóng đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế đủ điều kiện để tiếp tục điều trị. Thời gian từ khi tái lập tuần hoàn tự nhiên đến khi tiến hành hạ thân nhiệt tốt nhất là dưới 6 giờ.

Vai trò của hạ thân nhiệt trong cấp cứu ngừng tuần hoàn

Ngừng tuần hoàn là tình trạng tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả. Tử vong và tàn tật sau ngừng tuần hoàn là những mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong quá trình điều trị, tỷ lệ sống sót ở người bệnh sau ngừng tuần hoàn còn thấp. Tại Hoa Kỳ, ghi nhận dưới 6% người bệnh ngừng tuần hoàn ngoài viện và 24% người bệnh ngừng tuần hoàn trong viện sống sót.

Phương pháp hạ thân nhiệt chỉ huy (hay hạ thân nhiệt chủ động) giúp giảm chuyển hóa cơ thể, giảm nhu cầu tiêu thụ oxy, cải thiện tình trạng thiếu máu, giảm sản sinh các chất oxy hóa tự do để chống viêm/phù não, bảo vệ não và các mô, cơ quan.

Theo TS. BS. Hà Thị Bích Vân, các tổn thương não sau ngừng tuần hoàn thường không hồi phục và để lại di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong.

Tuy nhiên, việc hạ thân nhiệt kịp thời sẽ ngăn chặn đáng kể quá trình tổn thương này, từ đó giúp người bệnh có nhiều cơ hội hồi phục hơn, mang lại kết quả điều trị tốt, đồng thời hạn chế tối đa di chứng thần kinh.

Hạ thân nhiệt đã được chứng minh từ các báo cáo trên thế giới với hiệu quả giúp giảm tỷ lệ tử vong xuống 14% và giảm di chứng tàn phế xuống 11%. Kết quả thần kinh tốt được quan sát thấy ở 85% số người sống sót ở Hoa Kỳ và lên đến 95% số người sống sót ở các nước Châu Âu.