Tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca tốt nhất khi nào?

(VOH) - Bộ Y tế vừa có văn bản số 7820/BYT-DP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW về nội dung liên quan đến khoảng cách tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19.

Tại văn bản này, Bộ Y tế cho biết đã nhận được Công văn số 8758/UBND-VHXH ngày 3/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An và Công văn số 6530/SYT-NVY ngày 12/9/2021 của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đề xuất việc rút ngắn khoảng cách tiêm mũi 2 đối với người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.

Bộ Y tế: Có thể tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca cách mũi 1 từ 4-12 tuần
Hình minh hoạ.

Bộ Y tế có ý kiến như sau, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất vaccine Astrazeneca, sau khi tiêm mũi 1, từ ngày thứ 22 hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt 69,2%; sau khi tiêm mũi 2 dưới 6 tuần đạt 55,1%, sau từ 6-8 tuần đạt 59,7% và sau 12 tuần đạt 80%.

Theo hướng dẫn của nhà sản xuất mũi 2 nên được tiêm trong khoảng từ 4-12 tuần sau mũi 1;

Theo Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo khoảng cách giữa 2 mũi vaccine này từ 8 đến 12 tuần;

Bộ Y tế đã hướng dẫn tiêm mũi 2 vaccine AstraZeneca hoặc vaccine do hãng Pfizer sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca là sau 8-12 tuần kể từ ngày được tiêm mũi 1 (tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và Công văn số 6030/BYT-DP ngày 27/7/2021 của Bộ Y tế).

Do đó, tại văn bản này, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh, thành phố căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hướng dẫn của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế về tiến độ tiêm chủng, hiệu lực của việc bảo vệ khi tiêm mũi 2 để tham mưu cho Ủy ban nhân nhân tỉnh, thành phố về thời gian tiêm vaccine mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca.

Được biết, tính đến nay, Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng đối với 8 loại vaccine COVID-19 bao gồm: AstraZeneca, Gam-COVID-Vac (SputnikV), COVID-19 vaccine Janssen (Johnson & Johnson), Spikevax (COVID-19 vaccine Moderna), Comirnaty (Pfizer – BioNTech), Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm), Hayat-Vax và Abdala. 

Xem xét phản ánh về thanh toán chi phí xét nghiệm COVID-19

Văn phòng Chính phủ nhận được thông tin phản ánh: Theo quy định các chi phí xét nghiệm, điều trị COVID-19 đều do ngân sách Nhà nước chi trả nhưng hiện vẫn có không ít trường hợp bệnh nhân (chưa biết có nhiễm COVID-19 hay không) khi tới một số bệnh viện trên địa bàn thành phố Hà Nội để điều trị phải xét nghiệm COVID-19 theo chỉ định và phải thanh toán chi phí xét nghiệm.

Về việc này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội xem xét, có thông tin rõ ràng, minh bạch về các quy định của pháp luật; đồng thời chấn chỉnh việc thực hiện chưa đúng quy định (nếu có) của các cơ sở y tế.