Viêm tai giữa ở trẻ em chẩn đoán và xử trí tại nhà như thế nào?

(VOH) - Khoảng 80% trẻ em từ lúc sinh ra đến khi 5 tuổi sẽ bị ít nhất 1 lần viêm tai giữa.

Bệnh viện Bạch Mai vừa tổ chức chương trình truyền thông sức khỏe trực tuyến với chủ đề “viêm tai giữa ở trẻ em, chẩn đoán và xử trí tại nhà” với sự đồng hành của TS.BS Đào Trung Dũng, ThS.BS Nguyễn Văn Hải - Khoa tai mũi họng - Bệnh viện Bạch Mai.

Các chuyên gia cho biết viêm tai giữa là căn bệnh phổ biến thứ 2 ở trẻ em chỉ đứng sau viêm đường hô hấp trên cấp. Khoảng 80% trẻ em từ lúc sinh ra đến khi 5 tuổi sẽ bị ít nhất 1 lần viêm tai giữa. Trên toàn thế giới, ước tính tỷ lệ mắc viêm tai giữa là khoảng 11% (709 triệu trường hợp mỗi năm), một số nửa trường hợp là trẻ em dưới năm tuổi.

“Nguyên nhân gây giảm thị lực chủ yếu ở trẻ em là do viêm tai giữa, ngoài ra viêm tai giữa còn là nguyên nhân gây ra điếc vĩnh viễn với tỉ lệ 2-35/10.000 cháu”, ThS.BS Nguyễn Văn Hải chia sẻ.

Yếu tố nguy cơ  

Nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ chính cơ thể của trẻ em, hệ miễn dịch toàn thân và tại chỗ của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Đặc biệt là đối với các trẻ bị sinh non, thấp cân, mắc các bệnh bẩm sinh như tim bẩm sinh hoặc là các bệnh bẩm sinh hệ thống thì hệ miễn dịch yếu rất dễ mắc bệnh.

Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc viêm tai giữa là nhiều nhất.
Trẻ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc viêm tai giữa là nhiều nhất.

Các yếu tố liên quan đến vấn đề giải phẫu của trẻ, trẻ em có vòi nhĩ ngắn hơn và nằm ngang hơn so với người lớn nên có nguy cơ mắc viêm tai giữa cao hơn. Ngoài ra, các trẻ mắc các bệnh lý cần phải giải phẫu như: Khe hở môi vòm, dị dạng bẩm sinh đầu cổ, hội chứng Down… Thì tỉ lệ mắc viêm tai giữa cũng cao hơn so với những trẻ không bị các vấn đề này. Trẻ không được bú sữa mẹ, bị trào ngược dạ dày thực quản cũng là nguyên nhân làm cho trẻ dễ mắc phải viêm tai giữa.

Về yếu tố môi trường, nhiều trẻ sống trong môi trường quá là ô nhiễm, ẩm mốc hoặc quá bụi bẩn, nhiều em đi nhà trẻ quá là đông đúc, mật độ trẻ em quá đông thì cũng có nguy cơ bị viêm tai giữa nhiều hơn những em khác.

Đặc biệt là với môi trường xung quanh của trẻ, môi trường sống bị ô nhiễm hay là việc hút thuốc lá thụ động của nhiều người lớn tại nơi có nhiều trẻ em sinh sống cũng là nguyên nhân gây bệnh ở trẻ. Một vấn đề lưu ý hơn nữa là việc vệ sinh mũi không đúng cách cũng có thể vô hình chung khiến trẻ bị mắc viêm tai giữa.

Cách chăm sóc tại nhà

Việc đầu tiên của người lớn là cần quan sát xem trẻ có bị đau nhiều hay không, có bị sốt cao hay không, nếu có thì nên nhanh chóng tiến hành hạ sốt và giảm đau cho trẻ. Nếu trẻ tỉnh táo, đau tai nhẹ, có thể ngủ yên, thân nhiệt < 38,5 độ thì chưa cần dùng đến thuốc hạ sốt mà chỉ cần chườm ấm và theo dõi.

Nếu trẻ có biểu hiện kích thích, khó ngủ, đau tai nhiều, nặng, sốt >= 38,5 độ thì có thể sử dụng các thuốc giảm đau hạ sốt. Với trẻ em thuốc hạ sốt có thể dùng là Paracetamol với liều lượng là 10-15mg/kg mỗi 4-6h (uống/đặt hậu môn). Hoặc có thể sử dụng nhóm giảm đau hạ sốt khác như Ibuprofen với liều lượng 5-10mg/kg mỗi 6-8h.

Cần phải làm vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng cho trẻ.
Cần phải làm vệ sinh sạch sẽ tai mũi họng cho trẻ

Bên cạnh đó, trẻ cần phải được vệ sinh mũi họng, bằng cách là cần phải làm thông thoáng mũi, người lớn có thể sử dụng một số thuốc làm co mạch mũi (chỉ sử dụng ngắn ngày) để mũi được thông thoáng hơn. Làm sạch mũi cho trẻ bằng cách sử dụng các dụng cụ hút mũi miệng, hút sạch mũi sau khi sử dụng nước muối sinh lí, nước muối biển và đặc biệt là tránh nước vào tai của trẻ.

Xem thêm: Cần làm gì khi tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ?

Theo các bác sĩ, viêm tai giữa là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em để đề phòng trẻ mắc phải thì người lớn cần phải cho trẻ bú sữa mẹ đầy đủ, tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh dễ gặp ở trẻ em (phế cầu, cúm…), giữ vệ sinh môi trường xung quanh trẻ, tránh khói hút thuốc lá, nếu mắc phải cần điều trị sớm và triệt để viêm mũi họng, tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ chăm sóc mũi họng và chế độ dinh dưỡng hợp lý.