WHO: Những người đã tiêm vắc-xin cũng có thể bị nhiễm Omicron

(VOH) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 29/11 cho biết nguy cơ làm tăng vọt các ca nhiễm trên toàn cầu của biến thể Omicron là "rất cao" và sẽ gây ra "hậu quả nghiêm trọng" ở một số khu vực.

WHO đồng thời khẳng định các ca nhiễm biến thể Omicron có thể xuất hiện ở những người đã hoàn thành việc tiêm ngừa vắc-xin.

Theo WHO khả năng biến thể Omicron tiếp tục lây lan trên phạm vi toàn cầu là rất cao và cho biết biến thể mới này có số lượng đột biến nhiều chưa từng thấy, trong đó có một số đột biến có thể gây ảnh hưởng đến tình hình dịch bệnh và điều này là rất đáng lo ngại.

WHO cho hay biến thể Omicron có tổng cộng 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến xảy ra ở các protein gai. Protein gai là chìa khóa để virus xâm nhập vào tế bào cơ thể con người, cũng là mục tiêu nhắm đến của hầu hết các loại vắc-xin.

Omicron, tiêm chủng COVID-19, ngày 30 tháng 11 năm 2021
 

WHO nói rằng các ca nhiễm Covid-19 có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

WHO cũng cho biết: "Dự kiến, ​​các ca nhiễm có thể xuất hiện ở những người đã tiêm chủng, nhưng tỷ lệ có thể dự đoán được là không lớn, tùy thuộc vào hiệu quả của vắc-xin".

Theo WHO, các ca nhiễm được phát hiện lần đầu tiên ở Botswana và các ca nhiễm xuất hiện sau đó ở các nước và vùng lãnh thổ như Australia, Đức, Hồng Công… có cả những người đã tiêm chủng.

Đến nay, chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến biến thể Omicron, nhưng cần phải nghiên cứu thêm về việc liệu Omicron có thể né tránh được khả năng miễn dịch của vắc-xin hay không. WHO cho biết họ hy vọng sẽ có thêm nhiều dữ liệu trong vài tuần tới.

WHO khẳng định, dù mức độ nghiêm trọng có thay đổi như thế nào nhưng việc các ca nhiễm ngày càng tăng có thể gây áp lực lớn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và có thể làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong. Đặc biệt, ở nhóm người dễ bị tổn thương, ảnh hưởng của nó sẽ rất lớn, nhất là ở những nước có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện ở nước láng giềng Botswana của Nam Phi vào ngày 11/11. Ngay sau đó, tỷ lệ nhiễm bệnh ở Nam Phi đã tăng vọt.

Hiện các ca nhiễm biến thể Omicron đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới như Hà Lan, Đan Mạch Anh, Đức, Canada , Australia, Hồng Công và Bồ Đào Nha…

Trước sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm biến thể Omicron, Bộ trưởng Y tế Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ngày 29/11 đã tiến hành cuộc họp trực tuyến và đưa ra tuyên bố chung nhấn mạnh cần có hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm của biến thể mới này.