EU đưa ra "văn bản cuối cùng" về việc nối lại thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân JCPOA

(VOH) - Ngày 8/8, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra "văn bản cuối cùng" về việc nối lại thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 cho tất cả các bên tham gia đàm phán về vấn đề này.

Đồng thời bày tỏ hy vọng nội dung văn bản này sẽ được tất cả các bên chấp thuận.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết tất cả các nội dung có thể thương lượng đều đã được thương lượng và được đưa vào "văn bản cuối cùng". Các bên cần đưa ra quyết định chính trị về mọi vấn đề kỹ thuật cũng như các chi tiết trong "văn bản cuối cùng". Nếu không có ý kiến, văn bản sẽ được ký kết.

Thông tin từ trang web của Bộ Ngoại giao Iran cho biết, ngày 8/8, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã có cuộc điện đàm với ông Borrell để trao đổi quan điểm về những tiến triển trong đàm phán về việc nối lại thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Theo lời ông Abdollahian, phái đoàn Iran đã tham gia đàm phán bằng sự quyết tâm và chân thành, đồng thời đưa ra các đề xuất mang tính xây dựng nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại. Ông nói, văn bản cuối cùng phải đáp ứng lợi ích của người dân Iran và đảm bảo một cách bền vững việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này. Hy vọng tất cả các bên tham gia đàm phán, đặc biệt là Mỹ, sẽ có những hành động thiết thực, tránh những việc làm không mang tính xây dựng nhằm tạo điều kiện cho việc đạt được thỏa thuận.

EU
 

Tháng 7/2015, Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân với nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Thỏa thuận được biết đến với tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Theo đó, Iran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của nước ngoài đối với nước này.

Tuy nhiên, phía Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 5/2018 và tái áp đặt cũng như gia tăng các biện pháp trừng phạt của nước này đối với Iran. Đáp lại, Iran bắt đầu từ chối thực hiện một số cam kết trong thỏa thuận trên kể từ tháng 5/2019, nhưng cho biết các biện pháp mà nước này thực hiện "có thể đảo ngược".

Kể từ tháng 4/2021, các bên tham gia ký kết thỏa thuận JCPOA đã tiến hành nhiều vòng đàm phán tại Vienna nhằm thảo luận vấn đề Mỹ và Iran nối lại việc thực thi đầy đủ thỏa thuận trên. Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp thông qua EU.

Ngày 11/3/2022, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thông báo tạm dừng các cuộc đàm phán do xuất hiện những yếu tố bên ngoài.

Cuối tháng 6 vừa qua, Iran và Mỹ đã tiến hành đàm phán gián tiếp tại thủ đô Doha của Qatar dưới sự điều phối của EU nhằm thu hẹp những khác biệt còn tồn tại gây cản trở nỗ lực khôi phục thỏa thuận JCPOA nhưng không đạt được tiến triển đáng kể.

Ngày 4/8 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao và là nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran, ông Ali Bagheri Kani Ali Bagheri, đã tiến hành cuộc đàm phán với đại diện các bên liên quan đến thỏa thuận JCPOA tại Vienna.

Đặc phái viên Mỹ về Iran Rob Malley tham gia đàm phán gián tiếp với Iran qua sự trung gian của Phó Tổng Thư ký Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) Enrique Mora.