Nga dự chi 32,3 tỷ USD kích thích kinh tế sau loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây

(VOH) - Ngày 19/4, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov thông báo nước này sẽ chi khoảng 32,3 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế, trong bối cảnh Nga đang chịu nhiều lệnh trừng phạt nặng nề từ phương Tây.

Hiện tại, nước Nga đang đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao và nhiều rủi ro với các khoản vay nước ngoài, sau khi các nước phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nghiêm khắc vào Nga vì nước này bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào ngày 24/2.

Tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ Nga vào ngày 19/4, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết: “Gói hỗ trợ tài chính cho kế hoạch kích thích kinh tế dự kiến đạt hơn 2,5 ngàn tỷ roubles (32,3 tỷ USD) - bao gồm hoạt động phân bổ ngân sách, chi cho Quỹ Tài chính Quốc gia và các ưu đãi về thuế mà chúng ta đã áp dụng.”

Trường Đại học Kinh tế Moscow (HSE) cho rằng, năm nay nước Nga có thể chuyển khoảng 6.000 tỷ roubles để hỗ trợ chi tiêu ngân sách và thanh lý các khoản vay, sau khi kết thúc quy định về chuyển nguồn thu bổ sung từ xuất khẩu dầu và khí đốt vào kho bạc nhà nước.  

Tuy nhiên, HSE cũng khuyến cáo con số 6.000 tỷ roubles có thể thấp hơn kỳ vọng nếu các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trong tương lai gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu khí của Nga.

Nga dự chi 32,3 tỷ USD kích thích kinh tế sau loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov. Ảnh: Reuters

Tháng 2 năm nay, ngay sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và đồng minh đã ồ ạt giáng đòn trừng phạt Moscow với mục đích làm tê liệt nền kinh tế nước này. Theo Reuters thống kê, chỉ hơn 3 tuần tính từ ngày 24/2, đã có tới 4 vòng trừng phạt nhằm vào các cá nhân, doanh nghiệp cũng như hệ thống thương mại và tài chính của Moscow, biến Nga trở thành quốc gia hứng chịu nhiều lệnh trừng phạt nhất thế giới. Nổi bật nhất là việc ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Hệ quả kèm theo đã khiến đồng rouble rơi tự do, thậm chí xuống đến mốc thấp kỷ lục khi 1 USD gần bằng 140 roubles vào ngày 7/3, nghĩa là giảm gần một nửa giá trị so với hồi đầu tháng 2. Tuy nhiên, sau đó đồng rouble đã tăng giá mạnh mẽ và trở thành tiền tệ hoạt động tốt nhất thế giới trong tháng 3 vừa qua.

Theo tờ Business Standard, kết quả đó phản ánh những nỗ lực của Chính phủ Nga trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt và ổn định lĩnh vực tài chính đã phát huy tác dụng.

Tiếp đến, ngành dầu mỏ và khí đốt cũng đóng vai trò đòn bẩy hỗ trợ đồng ruble. Sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng chính là một lợi thế của Nga khi châu lục này nhập khoảng 40% lượng khí đốt và 25% lượng dầu thô cần thiết từ Moscow. Giữa lúc nhu cầu và giá năng lượng tăng cao, Nga còn yêu cầu châu Âu phải chuyển thanh toán khí đốt bằng ruble từ ngày 1/4.

Ngoài ra, những biến chuyển tích cực trên bàn đàm phán Nga-Ukraine cũng được cho là có tác động đến sự phục hồi của đồng ruble. Cụ thể, chính quyền Kiev đã ngỏ ý sẵn sàng đáp ứng một số yêu cầu cốt lõi của Moscow, còn Nga tuyên bố giảm bớt các hoạt động quân sự ở quốc gia láng giềng.