Nông thôn mới phải định hình đô thị vệ tinh

(VOH) - 15 năm trước ngoại thành TPHCM vẫn còn những con đường "nắng bụi mưa bùn", những khu sản xuất ô nhiễm bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng một cách lãng phí.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới đã mang lại cho ngoại thành bộ mặt nông thôn chỉnh trang, làm tiền đề cho hướng phát triển đô thị sau này.

nong-thon-moi-phai-dinh-hinh-do-thi-ve-tinh-voh.com.vn-anh1
Một làng nghề nông thôn đang phát triển theo hướng hiện đại phù hợp với định hướng phát triển nông thôn mới ở TPHCM.

Quá trình xây dựng nông thôn mới của TPHCM bắt đầu từ năm 2009 với xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi là 1 trong 11 xã thí điểm cấp Trung ương. Năm 2010, Thành phố triển khai xây dựng nông thôn mới tại 5 xã thuộc 5 huyện ngoại thành: Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè), Lý Nhơn (Cần Giờ), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) và Thái Mỹ (Củ Chi). Đặc biệt quá trình này được kế thừa tiếp nối từ những chính sách đầu tư cho vùng đất ngoài thành lúc bấy giờ. Nhiều tuyến đường huyết mạch kết nối quận - huyện như: Quốc lộ 22 (Củ Chi, Hóc Môn), Quốc lộ 50 (Bình Chánh), tuyến đường Rừng Sác (Cần Giờ), tuyến đường Nguyễn Bình (Nhà Bè)... đã tạo tiền đề cho việc giao thương, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp và khu vực ngoại thành.

Tuy nhiên, thời điểm lúc bấy giờ nông nghiệp phát triển chưa bền vững, các mô hình sản xuất nhỏ, phân tán còn phổ biến, sức cạnh tranh thấp. Đặc biệt, tình trạng "trồng rau 2 luống, nuôi heo 2 chuồng", vẫn thường xuyên diễn ra. Một số nơi chưa khai thác hết quỹ đất nông nghiệp, trong khi một số nơi đã chuyển mục đích sang xây dựng đô thị nhưng thực hiện rất chậm và chưa đồng bộ. Bức tranh nông thôn ngoại thành là sự giằng co giữa những mảnh vườn xanh mát với những khu trọ lụp xụp do đô thị hoá một cách tự phát. Vì vậy, việc triển khai xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí cụ thể, từ giai đoạn khởi đầu đến giai đoạn nâng chất không chỉ mang đến làn gió mát, mà còn mang đến sự thay đổi có định hướng cho vùng đất ngoại thành thành phố.

Anh Phạm Văn Minh, nuôi tôm tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, cho biết không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn ngoại thành, quá trình xây dựng nông thôn mới còn tạo điều kiện bà con nông dân trong tổ hợp tác được hỗ trợ lãi vay khi đầu tư theo hướng hiện đại, phát triển hiệu quả và bền vững. "Xu thế của xã hội lúc nào cũng làm sao để phát triển và đi lên. Quá trình đô thị hóa làm cho diện tích đất nông nghiệp càng ngày càng nhỏ đi. Để sản xuất hiệu quả, có kinh tế tạm ổn cho gia đình, cần có những mô hình mới. Mong muốn tới đây các cơ quan ban ngành tiếp tục vào cuộc tập huấn cho nông dân những mô hình mới, phù hợp với tình hình phát triển đô thị ở thành phố", ông Minh cho biết thêm.

Thực tế những năm qua, khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị được rút ngắn dần. Nếu năm 2008, thu nhập người dân khu vực nông thôn chỉ bằng 55% thu nhập người dân thành thị, thì đến 2010 tăng lên 66%, đầu năm 2020, đạt gần 73% thu nhập người dân thành thị. Đặc biệt, nhờ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, nên dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm bình quân khoảng 900 ha/năm nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm. Từ chỉ hơn 158 triệu đồng/ha năm 2010, lên 367 triệu đồng/ha vào năm 2015 và đạt gần 600 triệu đồng/ ha vào năm 2020. Thành phố cũng đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân trên mỗi ha đất sẽ đạt mức từ 760 đến 800 triệu đồng/ha vào năm 2025. Chính vì vậy, một số đơn vị, hợp tác xã mong muốn thành phố sớm quy hoạch lại diện tích đất có thể duy trì sản xuất nông nghiệp bên cạnh những diện tích đất phục vụ nhu cầu phát triển khác.

Ông Trần Văn Lượng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, chuyên sản xuất rau ăn lá, kiến nghị: "Tôi cũng mong muốn các quận - huyện quy hoạch lại đất cụm nông nghiệp để Hợp tác xã có thể thuê lại, để hợp tác xã có thể trồng rau trên đó, theo hướng hữu cơ".

Để tiếp tục phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp trong điều kiện đô thị hoá, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng giống mới có năng suất, chất lượng. Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết giai đoạn 2018-2021, Thành phố đã xây dựng được hơn 20 kế hoạch, chương trình, đề án để phát triển giống cây - con chất lượng cao và nông sản chủ lực. Luỹ tiến từ 2011 đến nay Thành phố đã hỗ trợ hơn 24.000 lượt tổ chức, hộ dân vay vốn với hơn 8.000 tỷ đồng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, thích ứng với quá trình số hoá và thương mai điện tử, thành phố cũng đón đầu xu hướng này để xây dựng nông thôn mới. "Trong giai đoạn sắp tới, nhu cầu người dân chuyển đổi sang tiêu thụ, mua bán hàng hoá online rất nhiều. Cho nên ngành sẽ tăng cường hỗ trợ các hộ nông dân, hợp tác xã trong việc mua bán online. Sắp tới chúng tôi cũng sẽ xây dựng 2 đề án: đề án xây dựng xã nông thôn mới thông minh thí điểm tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi và đề án xã nông thôn mới thương mại điện tử đối với xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ", ông Hiệp nói.

Thống kê của ngành nông nghiệp, hiện 56/56 xã trên địa bàn Thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/5 huyện ngoại thành đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các huyện và sở ngành liên quan định hướng xây dựng chương trình, bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phù hợp, đáp ứng yêu cầu đề án, bộ tiêu chí chuyển huyện thành đô thị vệ tinh.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan yêu cầu, các tiêu chí nông thôn mới tới đây phải định hình đô thị vệ tinh, tạo được cú hích cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ông Võ Văn Hoan cũng khẳng định đô thị vệ tinh là đô thị hiện đại hơn, tạo ra được những không gian có thể bù đắp được sự thiếu hụt của đô thị trung tâm thành phố. Phó Chủ tịch UBND Thành phố lưu ý: "Vấn đề nông nghiệp nông thôn của thành phố có bước phát triển rất đặc biệt. Nông nghiệp nông thôn giúp bổ sung, lắp đầy những "khuyết tật" của đô thị. Đô thị càng phát triển cao, sẽ càng có nhiều mặt bộc lộ yếu kém. Nông nghiệp nông thôn còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa và truyền thống. Nếu chúng ta không biết giữ gìn, khôi phục, khai thác thì sẽ đến lúc nào đó làm mất đi những giá trị văn hoá lâu đời mà cha ông đã gây dựng, bảo tồn và phát triển như hôm nay".

Có thể thấy, quá trình xây dựng nông thôn mới của TPHCM là quá trình khá đặc biệt. Xu thế phát triển của một thành phố năng động, hiện đại hàng đầu cả nước không cho phép thành phố phát triển nông nghiệp nông thôn theo con đường như các địa phương khác. Đó phải là nông nghiệp hiệu quả, chất lượng dù diện tích sản xuất thu hẹp. Nông thôn của thành phố phải là nông thôn có sự đầu tư đón đầu, kế thừa, bảo tồn và phát triển. Việc này đòi hỏi sự đầu tư một cách bài bản, có kế hoạch để đảm bảo sự phát triển hài hoà, bền vững và hiệu quả.