Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm TPHCM năm 2022 từ 6-6,5%

(VOH) - Chiều 2/12, Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM Khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã bế mạc.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu bế mạc Hội nghị.

Năm 2021 là năm rất đặc biệt, chưa từng có tiền lệ, khi phải ứng phó với đại dịch Covid-19. Bí thư Thành ủy TPHCM đánh giá, thời gian qua, toàn hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân thành phố đã chung sức đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống; từng bước vượt qua thử thách và đến nay đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Qua thực tiễn, nhiều bài học kinh nghiệm cũng đã được rút ra như công tác truyền thông phải chính xác, kịp thời, đặc biệt quan tâm tới đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Các bài học kinh nghiệm sẽ được tiếp thu, vận dụng, cụ thể hóa trong chiến lược y tế và kế hoạch tổng thể phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố thời gian tới. Dù đại dịch Covid-19 đã gây tác hại rất nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội thành phố, ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận người lao động nhưng thu ngân sách nhà nước đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, kim ngạch xuất khẩu giữ được ổn định; Nhiều doanh nghiệp thành lập mới, trụ vững và quay lại thị trường nhờ biết thích ứng, linh hoạt, sáng tạo chuyển đổi phương thức sản xuất kinh doanh, áp dụng công nghệ thông tin.

Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm TPHCM năm 2022 từ 6-6,5% 1
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên - Ảnh: TTO

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cho biết: "Hội nghị đã xem xét, thảo luận và cơ bản đồng tình chủ đề của thành phố năm 2022 là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời thống nhất về mục tiêu tổng quát và 20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu cùng với 7 nhóm giải pháp và 21 nhiệm vụ cụ thể. Toàn hệ thống chính trị sẽ tập trung nỗ lực cao nhất phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6%-6,5%. Đây là mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu cao nhưng có cơ sở và niềm tin khi sự đồng tâm, hiệp lực rất mạnh, sự khát khao hồi phục và phát triển kinh tế rất lớn, ý chí vươn lên, tinh thần sáng tạo của đồng bào Thành phố, của giới khoa học công nghệ, của giới doanh nhân đã được thử thách qua đại dịch." 

"Chúng ta cũng có niềm tin ở các mối quan hệ chia sẻ từ các bộ, ngành, các tỉnh thành phố, cũng được tăng cường. Đặc biệt, là mối quan hệ bên trong Thành phố, giữa cấp trên cấp dưới. Các Quận huyện, các ngành đã tăng cường trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ qua công tác phòng chống dịch. Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, chúng ta tiếp tục kiên trì, chủ động, nhất quán với phương châm và kế hoạch đề ra là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả" -  Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. 

Trong các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra cho năm 2022, Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu trước mắt chú trọng triển khai Đề án phát triển thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm, ưu tiên triển khai các dự án trọng điểm, có tính cấp bách về y tế, giáo dục, nhà ở, kết nối giao thông và chuỗi cung ứng giữa thành phố Hồ Chí Minh với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như đẩy nhanh việc triển khai Công viên khoa học công nghệ thành phố; đầu tư hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh. "Quan tâm công tác giáo dục và đào tạo, giữ vững chất lượng dạy và học; trước mắt cần thí điểm dạy học tập trung trong điều kiện “bình thường mới”. Tăng cường củng cố hệ thống an sinh, bảo trợ xã hội, chăm lo các đối tượng đặc biệt, nhất là các cháu mồ côi cha mẹ, người già neo đơn, không nơi nương tựa, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Trước mắt, chuẩn bị các phương án kiểm soát an toàn trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết cổ truyền dân tộc", Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị.

Về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn lực để cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung phát triển kinh tế số, chú trọng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị: "Sớm hoàn thành phê duyệt và tổ chức triển khai các đề án, chương trình đột phá, trọng điểm của thành phố đã bị chậm lại do dịch bệnh. Tăng cường năng lực quản trị, quản lý đô thị hiện đại, chủ động đề xuất Trung ương hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, mạnh dạn phân cấp, phân quyền, khơi thông các nguồn lực phát triển. Điều chỉnh linh hoạt các giải pháp hướng đến mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI."

"Trong đó ưu tiên thúc đẩy các nhóm ngành công nghiệp chủ lực, hoạt động xuất khẩu, xây dựng, thương mại, du lịch thông minh. Quán triệt nghiêm túc quan điểm phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế; xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; phát huy giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình, của cộng đồng và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, nghĩa tình, trọng công lý và đạo lý xã hội như đồng chí Tổng Bí thư chỉ đạo" - Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh. 

Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội nghị thống nhất chủ đề năm 2022 là "Đẩy mạnh xây dựng chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phát huy tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần dũng cảm, năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ, đảng viên".