Cần có sự kiểm tra, đánh giá, công nhận các danh hiệu văn hóa thực chất

(VOH) - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng văn hóa cộng đồng cư dân đô thị trên địa bàn TPHCM” sáng 26/4.

TPHCM với hơn 300 năm lịch sử hình thành, phát triển, song đã là một đô thị phát triển nhanh nhất Việt Nam, luôn đi đầu trong lĩnh vực phát triển kinh tế và là một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật lớn.

Trên phương diện văn hóa, TPHCM cũng là nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa của nhiều tộc người, là mảnh đất màu mỡ cho sự du nhập, xuất hiện các trào lưu văn hóa, tôn giáo mới. Lịch sử văn hóa thành phố đã chứng minh, văn hóa Sài Gòn – TPHCM luôn đầy bản lĩnh để tiếp thu chọn lọc những giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời luôn phát huy, bảo tồn những giá trị truyền thống, đặc trưng của con người thành phố.

can-co-su-kiem-tra-danh-gia-cong-nhan-cac-danh-hieu-van-hoa-thuc-chat-voh.com.vn-anh1
Đường sách TPHCM. (Ảnh: SGGP)

Tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu - nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển nhận định, trải qua hai năm với nhiều biến cố xã hội nhưng tính cách, lối sống đặc trưng của người Gia Định - Sài Gòn - TPHCM được duy trì đậm nét, phẩm chất nghĩa tình, nhân ái: "Đặc tính lớn nhất cộng đồng chung thành phố là luôn luôn có những đặc tính rất giống nhau về cách ứng xử nơi công cộng và ứng xử trong khu vực cư trú. Tôi có cơ hội đi nhiều đô thị, thì thấy không có đô thị nào mà họ ứng xử văn minh, hay nói cách khác là quan tâm đến không khí chung, môi trường chung của công cộng như ít nói lớn, ít xả rác, đi ngoài đường về giao thông cũng nhường nhịn nhau, ít bon chen như thành phố mình".

Theo bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TPHCM thì xây dựng văn hóa cộng đồng là yếu tố quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở - nền tảng của đời sống văn hóa. Đây là công việc lâu dài, trong đó có nhiều chủ thể cùng tham gia kiến tạo, đặc biệt là vai trò của cư dân trong bảo vệ, duy trì phát triển văn hóa cộng đồng cùng với chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội: "Về công tác lãnh đạo chỉ đạo phải quan tâm nhiều hơn và xem nội dung về xây dựng văn hóa cộng đồng là một nội dung cần được quan tâm, sắp tới cũng cần có sự gắn kết với xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong công tác quy hoạch, cần quan tâm tạo thêm không gian công cộng, tạo thêm sân chơi cho người dân. Có sự kiểm tra đánh giá công nhận các danh hiệu văn hóa sao cho thực chất".

Tại hội thảo, ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu: trong bối cảnh thành phố đang tăng tốc trên đà phát triển và hội nhập thì văn hóa ứng xử khi tham gia các hoạt động cộng đồng của cư dân đô thị là một yếu tố quan trọng để có thể xây dựng một cộng đồng đô thị văn minh, hiện đại. Vì vậy, cần tập trung xây dựng một cộng đồng dân cư đô thị có đầy đủ các yếu tố văn hóa, tăng cường giáo dục để nâng cao sự tự giác trong hành vi ứng xử văn hóa trong cộng đồng.

"Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của Internet, mạng xã hội, sự xâm nhập của lối sống lai căng, thực dụng, cần quan tâm hơn đến việc trao truyền những giá trị văn hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục những bài học về đạo đức, truyền thống văn hóa, lối sống, kỹ năng ứng xử, hành vi giao tiếp đúng chuẩn mực; Tuyên truyền và phổ biến hệ thống quy phạm pháp luật với những điều khoản quy định chặt chẽ về cách ứng xử của mỗi người khi giao tiếp ở nơi công cộng, trong cộng đồng, trên không gian mạng xã hội; Tuyên truyền về bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn; Nâng cao chất lượng giáo dục hình thành nhân cách và định hướng văn hóa ứng xử trong giới trẻ", Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Thọ Truyền nhấn mạnh.