Nhân nghĩa đất phương Nam – đầy ấp tính nhân văn

(VOH) - Vào sáng 18/11, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức Lễ trao giải cuộc thi thơ Nhân nghĩa đất phương Nam và giới thiệu tập thơ cùng tên.

Có thể nói, khi đợt dịch lần thứ tư bùng phát, Thành phố thân yêu của chúng ta là nơi gánh chịu đau thương mất mát nhiều nhất. Nhưng trong ngày tháng nguy nan ấy, những phẩm chất cao quý của người dân cả nước nói chung và TPHCM nói riêng càng được phát huy. Đội ngũ nhà văn, nhà thơ ngoài công tác thiện nguyện chia sẻ khó khăn cho bà con thì qua ngòi bút của mình, những bài thơ đầy nhân nghĩa được viết ra và là động lực cổ vũ tinh thần cho mọi người. Trong 45 ngày diễn ra cuộc thi, từ ngày 2/8/2021 cho đến hết ngày 15/9/2021, đã thu hút gần 700 tác giả với hơn 1500 bài thơ, con số ấy đã khẳng định được sức lan tỏa của cuộc thi đầy ắp tính nhân văn này.

Nhân nghĩa đất phương Nam – đầy ấp tính nhân văn 1
Các tác giả đoạt giải

Trong tâm dịch và trong đau thương trùm xuống thành phố, là người cầm bút có lẽ không ai là không đau đáu trước trang viết của mình. Với văn chương, thơ là thể loại với thế mạnh trực diện của cảm xúc, là ưu tư giằng xé từ trái tim nên phần nào cũng dễ đến được với cảm xúc, đến được với trái tim. Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân – Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố, thì nhân nghĩa là giá trị cao quý “uống nước nhớ nguồn”, biết ghi ơn và tri ơn: “Chúng tôi chọn cụm từ “đất phương Nam” bởi, Sài Gòn xưa và Thành phố Hồ Chí Minh nay là đô thị lớn nhất phương Nam, kể từ 323 năm qua. Nói đến phương Nam người ta nghĩ ngay đến Sài Gòn xưa và TPHCM nay. Và không chỉ có vậy, đất phương Nam còn là cả vùng đất phương Nam, ranh giới địa lý được mở rộng và độ phủ sóng về tinh thần, tình cảm cũng không giới hạn. Nhân nghĩa, không chỉ là lòng yêu thương, là mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người và giữa con người với công đồng. Nhân nghĩa còn hiện thân truyền thống, là vẻ đẹp cao cả mà còn là biểu tượng của sức mạnh ý chí, tâm hồn. Nhân nghĩa, còn bao hàm cả dũng khí và nghĩa khí. Đất phương Nam không thể thiếu hào sảng, bao dung, nhường nhịn, chở che… Nhân nghĩa, còn là yếu tố quyết định để “an dân” mà Ức Trai đã tiếp nối truyền thống ngàn đời trong hành trình dựng nước và giữ nước của nhân loại. Nhân nghĩa vừa là mục tiêu vừa là phương tiện để đạt được mục tiêu an dân. Và “an dân” trong mọi biến thiên thời cuộc và lòng người, luôn là một đòi hỏi sống còn”.

Cuộc thi Nhân nghĩa đất phương Nam thu hút nhiều tác giả tên tuổi, ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ khắp mọi miền đất nước, từ Lũng Cú đến Mũi Cà Mau. Về chất lượng Cuộc thi thơ, nhà thơ Lê Minh Quốc - Trưởng Ban chung khảo đánh giá: “Thơ có nhiều thể loại và nhân nghĩa là chủ đề rất rộng. Ở đây, bên cạnh nhân nghĩa chúng ta không thể bỏ qua thời sự đó là đại dịch, nó là dấu mốc của nhân loại chứ không riêng của Việt Nam. Chúng ta chấm như thế nào để hài hòa các chủ đề, hài hòa các thể thơ thì đó là sự thách thức của Ban tổ chức, Ban giám khảo. Và trong hoạn nạn, chia sẻ “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”, chúng ta không sợ điều gì cả, chúng ta có cộng đồng, có tình nhân nghĩa, có đồng bào có tất cả lòng yêu thương nhân nghĩa. Truyền thống 4.000 năm giữ nước, văn nghệ sĩ chúng ta, đồng bào ta, Thành phố chúng ta không sợ điều gì và vượt qua được. Và kết quả của tập thơ này là một nỗ lực, tức là chúng ta tổ chức và chúng ta có sản phẩm để báo cáo với bạn đọc, báo cáo cùng người yêu thơ”.

Nhiều bài thơ được gởi đến từ những y bác sĩ, quân nhân đang trực chiến nơi tuyến đầu chống dịch hay những bài thơ được viết từ những bệnh nhân Covid-19 vừa thoát khỏi bàn tay tử thần. Tại Lễ trao giải, bác sĩ, nhà thơ Tự Hàn – tác giả đoạt giải nhất cuộc thi với chùm thơ: Tưởng niệm, Có thể, Hẹn con sinh nhật mùa sau - xúc động chia sẻ cảm xúc của mình: “Cuộc thi này còn có ý nghĩa động viên, chia sẻ, tri ân với những khó khăn, đau thương và cả mất mát do dịch bệnh Covid-19. Tôi rất vinh dự cùng các nhà thơ có mặt nơi đây và rất biết ơn khi nhận giải thưởng này. Khoảnh khắc này thật sự ý nghĩa. Là nơi khởi đầu của một giấc mơ và là kết quả của niềm đam mê thơ. Thơ đã chọn tôi và giúp tôi gửi trao tấm lòng. Trong cuộc thi này có nhiều nhà thơ rất xuất sắc, có lẽ do những câu thơ của tôi là tâm sự tận đáy lòng, phản ánh thực tế qua ngôn ngữ thi ca và có lẽ Ban giám khảo muốn động viên và tiếp thêm sức mạnh cho những người làm nghề y như tôi được tận tâm cống hiến với y đức, lương tâm và trách nhiệm”.

Nhân dịp này, tập thơ Nhân nghĩa đất phương Nam với 72 bài thơ của 53 tác giả vào chung khảo và 14 bài thơ hưởng ứng cuộc thi thơ được in thành tập, giới thiệu rộng rãi đến độc giả. Đây là cách mà Hội nhà văn Thành phố muốn lan tỏa rộng rãi giá trị nhân văn, cốt cách hào sảng, nghĩa tình của Thành phố qua từng trang viết.