Thăng trầm làng nhạc cụ Đào Xá

(VOH) - Làng Đào Xá vốn nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ dân tộc với bề dày lịch sử hơn 200 năm.

Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi về hướng nam đến làng Đào Xá thuộc xã Đông Lỗ, huyện huyện Ứng Hòa, Hà Nội, người ta dễ dàng bắt gặp một khung cảnh làng quê thanh bình với những đồng ruộng trải dài. Thoạt nhìn, ngôi làng nhỏ nhắn này chẳng khác gì với hầu hết những làng quê khác ở Bắc bộ, thế nhưng, thôn xóm lặng yên này lại chính là cái nôi sinh ra những thanh âm tuyệt mỹ mang đậm dấu ấn dân tộc trên khắp mọi miền đất nước.

Thăng trầm nghề đàn Đào Xá

Làng  Đào Xá vốn nổi tiếng với nghề làm nhạc cụ dân tộc với bề dày lịch sử hơn 200 năm. Vừa đến cổng làng, hỏi thăm người dân ở đây thì mọi người đều hướng dẫn chúng tôi đến nhà cụ Đào Văn Soạn. Cụ Soạn gần như là người duy nhất ở làng vẫn còn giữ nghề làm đàn truyền thống này. Người nghệ nhân với hơn 50 năm làm nghề cho biết, làng Đào Xá vốn nổi tiếng trong và ngoài nước với nghề làm nhạc cụ dân tộc. Đến thời Pháp thuộc, bà con phải chuyển sang làm nhạc cụ phương Tây vì thời điểm đó loại nhạc cụ này rất thịnh, bà con đành phải tạm gác lại nghề truyền thống. Đến năm 1945, sau khi đánh đuổi thực dân Pháp, những tưởng làng nghề truyền thống sẽ được khôi phục, thế nhưng thời điểm đó kinh tế vô cùng khó khăn, đói kém, bà con trong làng đành phải một lần nữa chuyển đổi sang những công việc khác để kiếm sống qua ngày. Phải đến thời kỳ đổi mới, với chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc khôi phục các giá trị văn hoá dân tộc, người dân làng Đào Xá mới bắt đầu quay trở về với nghề làm đàn truyền thống.

thang-tram-lang-nhac-cu-dao-xa-voh.com.vn-anh1
Cụ ông Đào Văn Soạn đang thực hiện một công đoạn trên chiếc đàn nguyệt.

Xưởng đàn nhà ông Soạn sản xuất rất nhiều loại đàn để cung cấp cho khắp nơi trên cả nước. Từ đàn tranh, đàn nhị, đàn tam thập lục hay các loại trống… Ông Soạn chia sẻ: “Người nghệ sĩ chơi đàn khó lắm, người làm đàn cũng phải rất kỳ công. Tất cả các loại gỗ dùng để sản xuất đàn đều phải đúng loại, nếu không thì không thể phát ra được đúng âm thanh tốt được”.

Không những vậy, tất cả những thông số kỹ thuật của cây đàn cũng phải vô cùng chính xác thì mới có thể chơi được những bản nhạc hay. Phần gia công trang trí thân đàn, vỏ đàn cũng phải kỳ công và đòi hỏi người nghệ nhân phải vô cùng khéo léo.

thang-tram-lang-nhac-cu-dao-xa-voh.com.vn-anh2
Nghề làm đàn phải thật tỉ mỉ, chỉ một sai sót nhỏ cũng không được chấp nhận.

Nghề làm đàn là nghề rỗng ruột

Dù nổi tiếng là làng nghề làm nhạc cụ bậc nhất Hà Nội, thế nhưng gia đình cụ Soạn gần như là gia đình duy nhất ở đây còn giữ nghề truyền thống ông cha. Gác cây đàn vừa làm xong lên kệ, cụ Soạn rót nước mời chúng tôi rồi trầm ngâm: “Tôi hay nói vui nghề nãy là nghề rỗng ruột. Vì cây đàn phải rỗng ruột bên trong mới phát ra tiếng. Người làm đàn cũng vậy, chỉ đủ ăn qua ngày chứ không thể để dành nên chẳng ai thèm làm nữa".

Cụ Soạn cho biết, hiện nay nghề làm đàn cũng đã dần mai một theo nhu cầu của xã hội. Để làm ra một cây đàn, các nghệ nhân phải mất rất nhiều ngày mà giá thành lại không cao. Tiêu thụ được hay không cũng còn phụ thuộc rất nhiều vào lượng người mua chứ bản thân người dân ở làng không thể chủ động. Người trẻ ở làng cũng không còn thiết tha với nghề truyền thống mà có xu hướng tìm những công việc ổn định và có thu nhập cao hơn.

Những người dân ở đây đều lo lắng rằng nghề làm đàn có thể thất truyền. Họ vẫn ngày đêm mong mỏi các làng nghề như Đào Xá sẽ được hỗ trợ nhiều hơn để người dân có thể giữ lại những thanh âm trong trẻo của quê hương giữa cuộc sống đầy những hỗn loạn, xô bồ.

thang-tram-lang-nhac-cu-dao-xa-voh.com.vn-anh3
Những cây đàn đã hoàn thiện được cụ Soạn cất giữ cẩn thận.