Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên hai mặt Di sản văn hóa

(VOH) – Xây dựng phát triển một thành phố văn minh hiện đại thì cần nhất là không gian văn hóa đậm đà bản sắc ở cả hai mặt di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Các thành phố văn minh, hiện đại trên thế giới ngày nay đều có những nét độc đáo và mang bản sắc văn hóa riêng biệt của cộng đồng địa phương, dân tộc trong đó bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể.

Ở TPHCM, xây dựng không gian văn hóa được định hướng phát triển như thế nào để phù hợp định hướng chung của thành phố trong tương lai?

Năm 1995, Bến Nhà Rồng chính thức đổi tên thành bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM.
Năm 1995, Bến Nhà Rồng chính thức đổi tên thành bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM. Ảnh: viethanquangngai.edu.vn/

Công tác xây dựng không gian văn hóa (KGVH) của TPHCM phải xác định tính chất nền tảng là yếu tố gắn liền với đặc thù sông nước địa phương, gắn với các văn hóa đặc trưng của vùng Nam Bộ tự nhiên, thân thiện, nếp sống gần gũi, giàu sức sống và có bản sắc văn hóa của dân tộc của các cộng đồng địa phương; các công trình văn hóa được định hình theo qui họach đa trung tâm, đa chức năng phục vụ cho một thành phố lớn phát triển.

Trên tinh thần đó, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định xây dựng thành phố thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh  là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức… Do đó, việc hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ là việc quy hoạch và phát triển các công trình văn hóa, các thiết chế văn hóa mà còn là xây dựng các chương trình nghệ thuật mang tính tư tưởng, thẩm mỹ, phong phú, hấp dẫn, đặc sắc gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xây dựng con người mới có nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng địa phương, gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh không chỉ giới hạn ở những nơi Bác đi qua, dừng chân ở thành phố mà cần được quy hoạch, thiết kế sao cho phù hợp để mọi người khi đến TPHCM sẽ cảm nhận đây là thành phố mang tên Bác.

Báo cáo Chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI có đề cập nội dung “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Phát huy đặc trưng văn hóa, tính cách của con người Thành phố luôn năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái, nghĩa tình. Quy hoạch và phát triển các cơ sở văn hóa, các chương trình nghệ thuật thường niên gắn với tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm sâu vào người dân Thành phố, là một nguồn sức mạnh đặc thù của con người Thành phố mang tên Bác. Huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Di sản văn hóa vật thể

nhà chủ tịch Hồ Chí Minh lưu trú
Năm 1910, Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đó mang tên Nguyễn Tất Thành, đến Sài Gòn và lưu trú tại căn nhà số 1-2-3 Bến Testard (nay là đường Châu Văn Liêm, quận 5). Trong ba căn nhà đó có một căn được giữ lại làm di tích lưu niệm, tọa lạc số 5, Châu Văn Liêm. Ảnh vietnamnet.vn

Phát triển không gian văn hóa Hồ Chí Minh đối với những công trình kiến trúc, văn hóa vật thể chắc chắn sẽ được quy hoạch tổng thể, hài hòa và sẽ được từng bước triển khai. Điều mong muốn của Đảng bộ và người dân TPHCM là trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tạo ra những điểm nhấn quan trọng trong diện mạo phát triển Thành phố.

Theo định hướng phát triển Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ có thêm những công trình, những thiết chế gắn với cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác, những dấu mốc gắn với cuộc đời, sự nghiệp, di sản Hồ Chí Minh, hiện thân của những giá trị văn hóa, nhân văn mang tầm thời đại.

Bến Nhà Rồng là nơi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911. Nơi đây trở thành Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TPHCM và cũng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố. Bảo tàng đang quản lý khoảng 24.000 tư liệu, tài liệu về Bác và còn nhiều tư liệu, tài liệu về Bác đang được lưu giữ, bảo quản tại các bảo tàng trên khắp cả nước. Theo đó, Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM sẽ được mở rộng diện tích lên gấp đôi (Cảng Sài Gòn sẽ giao thêm mặt bằng) nhằm có thêm không gian trưng bày các phòng chuyên đề, Thư viện HCM và xây dựng mô hình khung cảnh, nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM thành di tích kiến trúc nghệ thuật TPHCM.

Phía Đông Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ xây dựng thêm không gian văn hóa Hồ Chí Minh với diện tích lớn hơn, đó là quảng trường, là nơi biểu diễn nghệ thuật, trưng bày những tác phẩm nghệ thuật, những công trình, những thiết chế văn hóa vật thể gắn với Bác. Không gian văn hóa của thành phố hiện nay có Công viên Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Bác Hồ trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước...

Cần phải nhận rõ là không gian văn hóa Hồ Chí Minh là sự tổng hòa nhiều yếu tố, hướng đến hình thành lối sống nơi con người Thành phố Hồ Chí Minh, mang đậm chất văn hóa Hồ Chí Minh…

TPHCM đặt ra nhiệm vụ không chỉ xem xét về quy hoạch để phát triển thêm những công trình văn hóa, những thiết chế văn hóa vật thể, mà còn xây dựng nhiều những hoạt động nghệ thuật, những chương trình văn hóa, sản phẩm nghệ thuật phi vật thể.

lãnh đạo TPHCM xem triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lãnh đạo TPHCM xem triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM. Ảnh: SGGP  

Di sản văn hóa phi vật thể

Việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trước hết phải xây dựng con người có văn hóa. Khi chúng ta muốn xây dựng một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh thì nhất thiết cần phải xây dựng con người có văn hóa. Con người có văn hóa trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tạo ra một cộng đồng văn minh, nghĩa tình, nhân ái, yêu đất nước, yêu dân tộc… mang những tố chất như con người của Bác.

Xây dựng văn hóa cho cộng đồng, các thế hệ không phải ngày một ngày hai có được, phải để những chương trình văn hóa thấm từ từ vào từng cá nhân biến thành nếp sống văn hóa cho mỗi người. Trong xây dựng văn hoá cần phải có thiết chế văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc và thiết chế văn hóa mới, là các nhà hát, công viên, các cơ sở hoạt động văn hóa, gắn với hoạt động của Bác để chuyển tải được giá trị của Bác đến với người dân.

Người có văn hóa phải có hành vi ứng xử đúng mực, luôn nhã nhặn lịch thiệp, kính trên nhường dưới, biết tôn trọng thuần phong mỹ tục, cổ vũ cái tốt và đấu tranh chống cái xấu, có trách nhiệm công dân, có hành động thiết thực nhằm quảng bá lối sống đẹp, tạo nên nhân cách hoàn chỉnh của một người có văn hóa.

Xây dựng Không gian văn hóa đó chính là tạo giá trị văn hóa cho con người Sài Gòn - TPHCM mà không lẫn với các địa phương khác, những thiết chế văn hóa mới phải gắn với giá trị văn hóa con người Hồ Chí Minh, xây dựng con người mới XHCN.

Xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh chính là xây dựng con người có những phẩm chất cơ bản, tiêu biểu cho con người mới xã hội chủ nghĩa, làm gương, tạo sự lôi cuốn mọi người noi theo. Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì yếu tố tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, hun đúc sức mạnh và khát vọng vươn lên của thành phố mang tên Bác.

Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, xây dựng đạo đức công vụ của công chức, sát dân, gần dân và kịp thời đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của người dân. Mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi khu phố… phải là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ.

Xây dựng nếp sống văn hóa tức là xây dựng văn hóa cho từng con người và mỗi người chí ít phải có đạo đức trong sáng. Vì thế, trong Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh không thể có những lối sống thiếu đạo đức hay đạo đức không chuẩn mực tối thiểu của cộng đồng.

Để đạt được điều này, Nhà nước cần có nhiều chính sách phát triển văn hóa, có hành lang pháp lý và những chế tài với những hành vi vô văn hóa. 

Muốn xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh, phải tích cực duy trì bảo tồn và phát huy nề nếp tốt đẹp xa xưa, mạnh dạn ngăn chặn, không vì bất cứ lý do gì mà tạo điều kiện hay dung dưỡng cho cái xấu xuất hiện.

Một Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh phải “đậm đà bản sắc dân tộc”, không lai căng nhưng cần tiếp thu cái mới của thế giới, không bắt chước rập khuôn nước ngoài nhưng cần học hỏi và chọn lọc cái đẹp, cắt bỏ cái xấu

Đảng bộ và Nhân dân TPHCM sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với ý thức trách nhiệm, yêu cầu nâng cao nhận thức gắn với hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được lan tỏa tạo Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu về việc học và làm theo Bác; Khuyến khích các hình thức biểu dương, quảng bá thông qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, nhiếp ảnh kể cả có những phòng truyền thống, góc truyền thống ở các cơ quan, đơn vị, trường học…

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật, phối hợp xây dựng các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp gắn với nội dung về Bác để có thể tổ chức biểu diễn thường niên và thường xuyên, không chỉ phục vụ các đợt lễ hội mà còn phục vụ du khách như nét văn hóa đặc trưng của TPHCM. 

Thành phố xem xét có sự tăng cường đầu tư về lĩnh vực văn hóa, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để trong tương lai không xa, TPHCM trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới, trong đó có nội dung đặc sắc về không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn kết với xã hội chi phối và ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống của những người dân ở tại TPHCM. Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh sẽ là động lực, nâng cao và phát triển con người cùng với đời sống vật chất, để từ đó TPHCM sẽ có những đóng góp to lớn hơn cho đất nước.

Sau gần 47 năm thành phố Sài Gòn - Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố luôn mong muốn xây dựng một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác. Đây là một công tác xác định lâu dài, không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mà còn là của gia đình và chính bản thân mỗi người.